Ký ức về những năm tháng hào hùng
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức “rực lửa” trên con đường hành quân năm nào vẫn hằn sâu trong tâm khảm của những cựu chiến binh và cả những người ở lại. Giờ đây, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7, khi nhắc nhớ lại, họ vẫn rất đỗi tự hào về một thời oanh liệt đã đi qua…
Những chuyến hành quân từ ký ức
Sinh năm 1960, ông Đàm Văn Luỹ hiện là thương binh hạng 3/4 với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 45%, nhưng những thương tích không khiến ông buồn bã hay suy sụp. Trong ngôi nhà nhỏ ở làng quê Yên Mỹ, Thanh Trì (Hà Nội) yên bình, thời điểm được quây quần bên con cháu, ông Lũy vẫn hào sảng, giọng vút cao kể cho chúng tôi nghe về một thời oanh liệt đã đi qua.
Thủa mới mười tám, đôi mươi, ông Lũy đã lên đường nhập ngũ. Thời đó, ở quân khu 9, chiến trường Campuchia không thiếu những chàng trai, cô gái tuổi đời còn trẻ. Trong sâu thẳm ký ức của mình, ông Lũy chậm rãi nhắc lại hình ảnh về chàng thanh niên tên Lũy trên vai với chiếc ba lô hành quân nhập ngũ cùng đồng đội.
Ông kể: “Tôi nhớ nhất là thời điểm mình nhập ngũ, dù lúc đó mới chỉ là một thanh niên còn trẻ, nhưng tôi cũng xác định tư tưởng 1 là sống, 2 là chết vì cuộc chiến lúc đó quá ác liệt. Trước đó, anh trai tôi là Liệt sĩ Đàm Văn Thành nhập ngũ chiến đấu năm 1970 thì năm 1972 đã hy sinh”.
Cựu chiến binh Đàm Văn Lũy tiếp tục nhớ lại: “Lúc đấy, trong đơn vị của tôi, có nhiều người ở các vùng miền khác nhau, xa nhà lâu ngày, nên lúc rảnh chỉ biết nhìn nhau, động viên tinh thần, chúng ta phải cùng tiến lên, không được sợ, chúng ta phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thi thoảng, có thời gian, các đồng đội xúm lại cùng tâm sự với nhau cho vơi đi nỗi nhớ nhà.
Chia sẻ hình ảnh về con đường hành quân gian nan, ông kể, con đường đi lúc đó gian nguy, hiểm trở, đoàn hành quân có khi phải trèo qua những hẻm núi dựng đứng đến nỗi gót chân người này chạm mặt người đi sau. Dù khó khăn, gian khổ là thế nhưng không ai than phiền, tất cả đều nêu cao tinh thần đấu tranh vì hoà bình, không ai bảo ai cứ thế một lòng quyết tâm tiến về phía trước.
Cùng tâm trạng với ông Đàm Văn Lũy, ông Trần Duy Hoan (quê xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cũng cảm thấy tự hào mỗi lần nhắc lại ký ức về những cuộc chiến ác liệt.
Nhìn ông - một người với thân hình nhỏ nhắn đã trải qua một thời kỳ mưa bom bão đạn nay đã gần 80 tuổi. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những dư âm về thời bom đạn vẫn luôn hiện trong mắt người lính thông tin Trần Duy Hoan.
“Năm 1968 tôi được nhập vào quân ngũ khi vừa tròn 23 tuổi và được chuyển lên Trung đoàn Thông tin 134 (nay là Lữ đoàn 134) thuộc Binh chủng Thông tin. Hồi đó, thông tin liên lạc luôn là mục tiêu hàng đầu bị địch đánh phá. Do vậy, những người lính như ông Hoan thường xuyên phải luyện tập khắc phục sự cố đường dây, rèn luyện kỹ thuật rải dây nhanh qua mọi địa hình, ghim chắc và dò sóng liên lạc vô tuyến điện tốt nhất”, ông Hoan nhớ lại.
Nhớ về trận đánh ác liệt nhất ông Hoan kể, trận địa 81 ngày đêm từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Dây bọc cáp chồng chất những đoạn đứt. Lúc đó, cấp bách quá mà thông tin mật không được chậm một phút.
“Tôi kéo hai đầu dây bị đứt từ hai phía lại với nhau nhưng không thể nối được, kìm thì giắt sau túi quần còn mình thì nằm sấp xuống để tránh bị địch phát hiện. Không chần chừ, tôi ghì hai đầu dây lại cắn chặt để nối. Đúng lúc, Ban chỉ huy từ Hà Nội điện vào khiến điện truyền qua người tôi giật co cứng lại. Nhờ đó mà có thể giúp thông tin được đảm bảo trong 5 phút, Ban chỉ huy đã liên lạc được rất thuận tiện”, ông Hoan chia sẻ.
Dù chiến tranh đã qua đi, ông Hoan đến nay vẫn trăn trở khi bị thất lạc phần mộ của 2 đồng đội mình.
Ông nhớ, vào lúc nửa đêm tháng 12/1972, khi quân Mỹ đánh bom B52 sáng trời, lúc đó ông cùng đồng đội phải nối dây thông tin liên lạc vì bị bom B52 làm đứt tại khu bến Long Đại.
Lúc này, hai đồng đội của ông đang làm nhiệm vụ thì bị bom nổ vùi lấp. Dù đã hô hào hai chiến sĩ pháo binh gần đó đào bới lên nhưng đồng đội đã hy sinh. Đau buồn, ông cuốn đồng đội đã ngã xuống vào chiếc võng dùng 2 ván cửa dựng thành mộ rồi chôn cất ven vệ suối. Vài năm sau ông báo cáo binh chủng vào tìm lại nhưng phần mộ của đồng đội đã bị nước lũ cuốn trôi.
Chiến dịch 81 ngày đêm kết thúc, ông Hoan được ra Bắc và thi đỗ vào Học viện Quân sự. Tốt nghiệp, ông giữ chức Đại đội trưởng thông tin cho mạng lưới thông tin tại Hà Nội, Hà Tây cũ và Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc).
Niềm tự hào của những người ở lại…
Chiến tranh đã lùi xa 34 năm kể từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989), nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng (1958, Hà Nội) vẫn đau xót khi nhớ về những đồng đội đã nằm xuống bảo vệ hòa bình cho ngày hôm nay.
Vốn luôn nặng lòng với quá khứ, đau đáu với đề tài chiến tranh, đam mê và trân trọng những kỷ vật của những cuộc kháng chiến; nhiều năm qua, ông Đặng Vương Hưng kết nối cùng các cựu chiến binh có nhiều hành động thiết thực hướng tới những người đồng đội đã hi sinh.
Năm 2005, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên về những lá thư chiến trường, cùng với đó là các dự án xuất bản sách “Mãi mãi tuổi 20”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” – đều là những trang ký ức về chiến tranh.
Năm 2017, ông Đặng Vương Hưng trao tặng các kỷ vật chiến tranh của những chiến sĩ đã từng tham gia hoạt động cách mạng và làm nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa thương binh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Nói về những hành động thiết thực của mình, nhà văn Đặng Vương Hưng tự hào chia sẻ: “Chúng tôi cùng đi qua thời kỳ thấy bom rơi, từng nhìn thấy những người đồng đội của mình ngã xuống. Đấy là một thời đại mà xã hội bây giờ phải “thèm”, mặc dù nghèo khổ, chiến tranh, sống chết không biết thế nào nhưng đó là một xã hội không có trộm cắp, không có ăn xin và cũng không ai ăn cái gì một mình cả.
Với ông, những ký ức về cuộc chiến luôn ám ảnh. Càng ngày, những dòng nhật ký viết chân thật về cuộc sống nơi chiến tuyến càng cuốn hút ông. Sau này, nhiều cựu chiến binh chung tay cùng ra mắt và duy trì tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”. Gần 20 năm nay, ông Đặng Vương Hưng cho in 4-5 tập thư chiến trường.
Mấy tuần trước, ông Đặng Vương Hưng ghé Quảng Trị. Có lẽ vì nhớ, vì thương những người lính đã hi sinh, ông không thể ngồi yên. Ông thăm chỗ này một ít, chỗ kia một ít, dâng cho những người đồng đội một nén hương cũng khiến ông cảm thấy nhẹ lòng hơn…
Hơn 40 năm mặc áo lính, ông Đặng Vương Hưng đủ hiểu những hi sinh, mất mát của đồng đội là quá lớn, để thế hệ con cháu, những người lính như ông thêm phần tự hào và thêm phần yêu quê hương, đất nước.
“Bao hồn lính trẻ, lính già
Những ai không ngủ để mà thương nhau
Bây giờ và cả mai sau
Thức cho Quảng Trị bớt đau một thời”...