Có điểm sàn đại học, đăng ký nguyện vọng xét tuyển thế nào để chắc đỗ?
Tới thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn trúng tuyển. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thí sinh và phụ huynh cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng lựa chọn nguyện vọng.
Điểm sàn cao nhất 24,5 điểm
Từ năm 2018 đến nay, các trường đại học trên cả nước được tự quyết định mức điểm sàn xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định điểm sàn của nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo công bố mới đây của Bộ GDĐT, năm nay, nhóm ngành đào tạo giáo viên có mức điểm sàn từ 18-19; còn nhóm ngành sức khỏe có điểm sàn từ 19-22,5.
Bên cạnh đó, tới thời điểm này, nhiều trường đại học cũng đã công bố điểm sàn trúng tuyển đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi khá nhiều trường đại học lấy điểm sàn từ 14,0 thì một số trường ở tốp đầu có mức điểm sàn cao tới 24,5 điểm.
Theo ghi nhận, Trường Đại học Vinh đang dẫn đầu về mức điểm sàn với 24,5 điểm ở ngành Giáo dục tiểu học; các ngành còn lại từ 16-23,5 điểm.
Tiếp đó là Trường Đại học Ngoại thương có mức điểm sàn xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 23,5 điểm đối với tất cả các tổ hợp môn, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Tương tự, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với đại học chính quy là 23,5 điểm (thang điểm 30, đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực)
Học viện Ngoại giao có mức điểm sàn từ 21-23 điểm. Trường Đại học Giao thông vận tải công bố điểm sàn xét tuyển theo điểm tốt nghiệp 2023 dao động từ 17 - 22 điểm.
Trường Đại học Thương mại công bố ngưỡng điểm sàn theo phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT 2023 từ 20 điểm trở lên. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội công bố điểm sàn xét tuyển thấp nhất là 18 điểm và cao nhất 21 điểm.
Phân biệt rõ giữa điểm sàn và điểm chuẩn
Thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của của Bộ GDĐT không còn nhiều. Dù đã đăng ký nguyện vọng hay chưa, ở thời điểm hiện tại thí sinh vẫn có thể đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần đến 17h ngày 30/7.
Trong giai đoạn quyết định này, căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT và mức điểm sàn mà các trường đã công bố, thí sinh cần thận trọng rà soát, thậm chí điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn để tránh nhầm lẫn đáng tiếc, đồng thời cân nhắc kỹ về điểm sàn trước khi đăng ký.
Điểm sàn là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển. Các trường trên cơ sở nền tảng này có thể lấy các điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn đã đặt ra.
Thực tế ghi nhận vào mùa tuyển sinh năm 2022, điểm sàn một số trường khi được công bố thì ở mức thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn.
Bộ GDĐT khuyến cáo thí sinh không nên thấy các trường có điểm sàn thấp mà nghĩ rằng điểm chuẩn cũng thấp. Thí sinh nên xem lại điểm chuẩn trong khoảng 3 năm gần đây của các ngành mình đăng ký và lưu ý đến chỉ tiêu năm nay.
Nếu chỉ tiêu thấp mà số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển cao thì điểm chuẩn sẽ tăng mạnh. Vì vậy, cần có phương án dự phòng bằng việc thêm nguyện vọng ở ngành tương tự nhưng ở nhóm cạnh tranh thấp hơn.
Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Thời gian nộp lệ phí được chia làm 6 đợt. Thí sinh Hà Nội sẽ nộp lệ phí ở đợt đầu tiên, bắt đầu từ 0h ngày 31/7 đến 17h ngày 1/8.
Từ ngày 12/8 đến ngày 20/8, Bộ GDĐT cùng với các trường đại học bắt đầu quy trình xét tuyển và xử lý nguyện vọng để xác định nguyện vọng trúng tuyển cho từng thí sinh.
Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8.
Trước 17h ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển.