Đối tượng vô cớ dùng dao đâm hàng xóm sẽ nhận hình thức xử lý thế nào?
Hành vi vô cớ dùng dao đâm hàng xóm của ông H. (sống tại chung cư The Light, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có bị xử lý hình sự hay không phụ thuộc vào kết quả trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Vụ việc anh Hồ Quốc L. (sống tại chung cư The Light, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong lúc đang cho con và 3 người cháu ăn sáng thì bất ngờ bị ông H. phòng bên cạnh cầm dao lao vào nhà đâm trực diện đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Ngoài ra trước đây ông H. đã có những lời lẽ doạ giết, cầm dao và búa đập cửa nhà anh L.. Vì thế, nhiều người không khỏi băn khoăn tại sao ông H. vẫn chưa bị xử lý?
Tuỳ thuộc vào kết quả trưng cầu giám định
Về vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực, Trưởng văn phòng luật sư Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, qua hình ảnh trích xuất từ camera giám sát, có thể thấy ông H. đã có hành vi cầm dao xông vào nhà và dùng dao hướng tới vị trí bụng của anh L. để đâm. May mắn anh L. kịp thời phản xạ, dùng ghế để chống trả nên không gây ra hậu quả, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Theo thông tin nhận được, một số cư dân cho rằng ông H. có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Do đó, ngoài tiến hành xác minh các thông tin, thu thập tài liệu, chứng cứ và điều tra làm rõ hành vi của ông H., cơ quan chức năng sẽ tiến hành trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Sau khi căn cứ vào kết quả giám định sức khoẻ tâm thần, việc xử lý ông H. có hai trường hợp xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, nếu có căn cứ cho rằng tại thời điểm ông H. thực hiện hành vi cầm dao xông vào nhà và dùng dao đâm vào bụng anh L., ông H. đang mắc bệnh tâm thần và đang mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, thì ông H. không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự hiện hành, một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Trong trường hợp ông H. được xác định là người bị tâm thần thì người giám hộ sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 46 và khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp thứ hai, nếu kết quả giám định thể hiện ông H. không có vấn đề về sức khoẻ, ông H. phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra, có thể xem xét xử lý về hành vi đe doạ giết người hoặc hành vi cố ý gây thương tích thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên quyết định xử lý hình sự còn phụ thuộc rất nhiều vào các tình tiết cụ thể, lời khai trong hồ sơ của các bên liên quan.
Chưa đủ cơ sở để áp dụng biện pháp tạm giữ hay tạm giam
Luật sư Quách Thành Lực cho biết thêm, trong vụ việc này, do chưa có kết luận chính thức về hành vi của ông H. có phạm tội hay không, nên không thể áp dụng biện pháp tạm giữ hay tạm giam đối với ông H.
Đối với vụ việc này, người nhà có thể xem xét tình trạng bệnh của ông H. để có biện pháp trông nom tại nhà, tránh trường hợp ông H. có hành vi gây nguy hiểm cho hàng xóm.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng bệnh của ông H. có chuyển biến xấu, gây nguy hiểm, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động của gia đình và xóm làng, gia đình ông H. có thể đưa ông H. đến các bệnh viện hoặc các cơ sở chữa bệnh để bảo đảm an toàn công cộng, môi trường sinh hoạt chung của chung cư.
Nếu gia đình không thực hiện, dẫn đến ông H. tiếp tục có những hành vi gây nguy hiểm cho hàng xóm, sự an toàn của chung cư thì họ có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Luật sư chia sẻ thêm, trong giai đoạn điều tra, khi Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 449 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can theo khoản 2 Điều này.