Người cựu chiến binh sống hết mình với đồng đội
Đi qua chiến tranh, người cựu chiến binh, thương binh hạng 1/4 Lê Long Triệu trở về với những thương tật gắn liền suốt cuộc đời. Dẫu tuổi đã cao và đôi chân bước đi ngày càng khó nhọc, thế nhưng những hành trình kết nối nghĩa tình đồng đội luôn được người cựu chiến binh nối dài theo năm tháng.
Ngược thời gian về quá khứ, năm 1969 chàng thanh niên trẻ Lê Long Triệu chính thức bắt đầu nhập ngũ. Những ngày tháng sau đó, ông Triệu được huấn luyện để trở thành lính đặc công thuộc Tiểu đoàn 4 với mật danh T40, Đoàn 429 đặc công và tham gia những trận chiến khốc liệt tại chiến trường miền Tây Nam Bộ.
Bước ra khỏi chiến tranh, ông Lê Long Triệu bị thương nặng ở cả 2 chân và phải nằm điều trị thời gian dài tại bệnh viện. Giờ đây, mỗi lúc trái gió trở trời là các vết thương đó lại đau nhức dữ dội. Thế nhưng ông coi đó chính là lời nhắc nhở thiêng liêng về thời kỳ anh dũng đấu tranh để bảo vệ non sông nước nhà.
Giờ đây, ở tuổi 72, ông Lê long Triệu vẫn ngày ngày cùng chiếc xe thương binh của mình để len lỏi qua những ngõ nhỏ để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ những đồng chí, đồng đội của mình.
Nhớ lại về trường hợp cựu chiến binh tham gia chiến trường chống Mỹ Nguyễn Ngọc Thanh (tổ 6, khu 7, phường Hà Tu, TP Hạ Long, Quảng Ninh), ông Triệu kể:
“Anh Thanh hiện bị cụt 2 tay và mù, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Biết được điều này, tôi đã cùng chính quyền địa phương kêu gọi để xây nhà và lập một sổ tiết kiệm nhỏ để phòng những lúc ốm đau, bệnh tật”.
Với phương châm “sức đến đâu, làm đến đó”, người cựu binh Lê Long Triệu chưa phút giây nào thực sự cho phép mình nghỉ ngơi. Sau khi xuất ngũ, ông Triệu đã quyết định thành lập Xí nghiệp Thương binh 18/4 Triệu Long chuyên làm đồ gỗ tại quê nhà Bình Dương (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) để tạo thêm công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nghỉ không trực tiếp điều hành Xí nghiệp nữa, ông Triệu lại tiếp nối hành trình yêu thương, đùm bọc và gắn kết xã hội.
Không chỉ sẵn sàng giúp đỡ những cựu binh bước ra từ cuộc chiến, ông Triệu còn là một người truyền cảm hứng cho lớp lớp thế hệ trẻ. Qua từng buổi nói chuyện, từng câu chuyện về lịch sử, từng bài học kinh nghiệm đã được người lính già gửi gắm và trở thành hành trang của những cô cậu học sinh khi chuẩn bị bước vào đời.
Chiến tranh đã đi xa nhưng nỗi niềm nhớ nhung, thương xót trước sự mất mát, hi sinh của những người đồng đội vẫn luôn hằn sâu trong trái tim của người cựu binh Lê Long Triệu. Chính vì vậy, ông đã quyết định thành lập Ban liên lạc T40 để tìm kiếm và quy tụ được hài cốt những người đồng đội đã ngã xuống.
Lật giở từng trang kỉ yếu, ông Triệu dừng lại trước một bức ảnh mình và Ban liên lạc đang thắp hương tại nơi chôn cất hài cốt: “Gần chục năm nay, rong ruổi không biết bao nơi Ban liên lạc mới tìm được 9 người đồng đội. Nhìn thấy đồng đội mình, tôi không thể kìm được nước mắt, bao nhiêu kỉ niệm lại ùa về”.
Quá trình tìm kiếm đồng đội chưa bao giờ là dễ dàng khi manh mối chỉ là những mảnh ký ức từ thời kháng chiến. Thời gian đã trôi qua, mọi thứ đều thay đổi nhưng chỉ có một thứ là còn vĩnh viễn, đó chính là máu xương của những người chiến sĩ đã hi sinh anh dũng để giành lại độc lập, bảo vệ sự bình yên cho tổ quốc. Chính vì đó, dù chỉ còn chút sức lực ông Triệu cũng nguyện dành tất cả tâm sức để hoàn thành tâm nguyện của mình để những đồng đội đã hy sinh được trở về an táng nơi quê nhà.