Nhiều phong trào ở Bình Dương mang lại hiệu ứng xã hội cao
Công tác giám sát, phản biện đòi hỏi phải có trình độ, kỹ năng, bản lĩnh cao. Để hoạt động Mặt trận có hiệu quả hơn, cần phải có những cán bộ yêu thích Mặt trận.
Tham gia cùng đoàn có ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo, cán bộ một số ban thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Về phía tỉnh Bình Dương có: bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo cơ quan Mặt trận các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận địa phương; lãnh đạo một số ban, ngành…
Tập trung chăm lo cho người nghèo
Báo cáo với đoàn công tác về kết quả hoạt động các phong trào của hệ thống Mặt trận trong tỉnh thời gian qua, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh triển khai thực hiện gắn với từng nội dung của các cuộc vận động, phong trào qua nhiều chương trình thiết thực, cụ thể. Nhờ vậy giúp các hoạt động ngày càng tạo sức lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu ứng xã hội cao, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác Mặt trận.
Qua đó, các cuộc vận động, phòng trào đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân, đem lại kết quả khá toàn diện.
Thực hiện các hoạt động chăm lo cho người nghèo và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động cho Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 1.751 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp vận động được hơn 65 tỷ đồng; các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ thực hiện các chương trình an sinh xã hội trực tiếp trên 1.669 tỷ đồng.
Từ nguồn tiền ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tập trung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo theo đúng nội dung, đối tượng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền về cuộc vận động được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn dân cư tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đời sống xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.
Công tác cứu trợ nhân dân được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tích cực thực hiện. Đặc biệt, trong 3 năm (2020 - 2022), trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham gia cùng hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch và hỗ trợ nhân dân, nổi bật ở 3 lĩnh vực: Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch; Phát động, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền gần 305 tỷ đồng và hơn 1.400 tỷ đồng hàng hóa, phương tiện, vật tư y tế, lương thực thực phẩm.
Thông qua hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh, các kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được phản ánh, chuyển tải kịp thời đến chính quyền và các cơ quan liên quan theo đúng thẩm quyền và được trả lời, giải quyết các kiến nghị một cách thấu đáo, đúng quy định. Từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử, chính quyền địa phương; đồng thời củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.
Cần những cán bộ tâm huyết
Báo cáo về tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam, bà Trần Thị Yến, Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho hay, hiện có 100% Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và Ban Công tác Mặt trận đều thực hiện tốt việc xây dựng và ban hành Quy chế làm việc; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tập thể, cá nhân. Thực hiện tốt việc tổ chức các cuộc Hội nghị, cuộc họp của Ủy ban, Ban Thường trực và Ban Công tác Mặt trận thường kỳ theo Điều lệ quy định và đột xuất khi cần thiết. Nhờ vậy, hoạt động của Mặt trận các cấp được bàn bạc thấu đáo trước khi đưa ra tổ chức thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao và ghi nhận những kết quả công tác các phong trào của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên. Trong đó, điển hình là việc thành lập Tổ tiếp nhận thông tin người dân liên quan đến các công trình dự án trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng mở được chuyên mục theo dõi đơn thư tố cáo của người dân.
“Đây là cách làm bài bản, cụ thể mà không phải địa phương nào cũng làm được. Trong khi đó, các phong trao như: Người tốt, việc tốt xây dựng quê hương Bình Dương; Phong trào xây dựng văn minh đô thị, đã phát huy vai trò của người dân; Bình Dương cũng là địa phương tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có chất lượng cao; công tác an sinh xã hội, cách huy động các nguồn lực của Bình Dương là rất hiệu quả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Một khó khăn, hạn chế liên quan đến chủ trương, chính sách, điều lệ làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung trong công tác được các đại biểu đề xuất, kiến nghị tại buổi khảo sát được Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng quan tâm ghi nhận, chia sẻ là hầu hết các đại biểu đều phản ánh tình trạng cơ cấu cán bộ được phân bổ quá mỏng, trong khi đầu việc lại rất nhiều. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, biên chế trong hệ thống Mặt trận ít, khiến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Mặt trận bị ảnh hưởng không nhỏ.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng hy vọng thời gian tới, hệ thống Mặt trận và các tổ chức liên quan tiếp tục phối hợp, tăng cường hiệu quả công tác, trong đó công tác giám sát, phản biện được chú trọng hơn. Nhằm làm tốt vai trò giám sát, phản biện đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, kỹ năng, bản lĩnh cao. Để công tác Mặt trận có hiệu quả cao cần có những người yêu thích công tác Mặt trận. Về việc đề xuất sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn bộ phận soạn thảo cần diễn giải chi tiết, dễ hiểu hơn.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến phát biểu, đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc; đồng thời ông cũng gửi lời nhắn nhủ tới các đại biểu tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu nhằm hoàn thiện cơ chế, góp phần đưa kết quả hoạt động của Mặt trận đạt hiệu quả cao hơn.