Sai lầm khi điều trị ung thư bằng thực dưỡng
Dù được giới chuyên môn cảnh báo, phương pháp thực dưỡng không thể điều trị hết bệnh ung thư hay bệnh mãn tính, song không ít người dân vẫn áp dụng thực dưỡng với mong muốn loại bỏ khối u. Kết quả, khối u ngày càng to, bệnh càng nặng, sức khỏe kiệt quệ... nhiều người phải nhập viện điều trị.
Bỏ phác đồ điều trị ung thư, ăn thực dưỡng
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, các bác sĩ của khoa Ngoại phụ khoa vừa mổ bóc tách thành công khối u buồng trứng nặng 15kg cho một phụ nữ 63 tuổi (tỉnh Tiền Giang). Theo chia sẻ của bệnh nhân, vì không có tiền điều trị nên đã sử dụng thuốc nam để loại bỏ khối u.
Trước đó, Bệnh viện K cũng tiếp nhận một trường hợp là bệnh nhân nữ 64 tuổi bị khối u ở miệng nhưng tự áp dụng chế độ ăn thực dưỡng 3 năm để loại bỏ khối u, thay vì đến bệnh viện khám và điều trị theo phác đồ. Chỉ khi kích thước khối u ngày càng to và chảy máu bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện.
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, thời gian gần đây nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư đã bỏ ngang phác đồ điều trị để theo chế độ ăn thực dưỡng. Bệnh nhân cho rằng, khi tế bào ung thư bị “bỏ đói”, không được cung cấp dinh dưỡng thì sẽ tự chết đi và khối u dần bị tiêu diệt. Ông Trần Văn Hùng, 43 tuổi (ngụ quận Gò Vấp) bị ung thư đại tràng giai đoạn IIA, đã phẫu thuật, bác sĩ chỉ định phối hợp hóa trị sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân không tiếp tục điều trị, về nhà ăn gạo lứt muối mè và uống thuốc nam. Sau hơn 6 tháng phẫu thuật, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mặt, chân tay bị phù, cơ thể suy kiệt nặng kèm tổn thương ung thư di căn đến các cơ quan khác khiến việc điều trị khó khăn hơn. Theo bác sĩ Nghi, nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn khởi phát, vốn có nhiều cơ hội điều trị nhưng bỏ ngang, để đến khi bước sang giai đoạn III, thậm chí giai đoạn IV mới điều trị thì đã bỏ lỡ giai đoạn “vàng”.
Liên quan đến bệnh nhân ung thư sử dụng thực dưỡng để tự điều trị bệnh, TS. BS Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: “Bệnh nhân ung thư cần chế độ ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng tránh tình trạng ăn uống kiêng quá dẫn đến hệ miễn sịch suy giảm và ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Quan niệm sai lầm của bệnh nhân
Nói về chế độ thực dưỡng để tiêu diệt tế bào ung thư, bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi khẳng định, đây là một quan niệm sai lầm. Theo bác sĩ Thảo Nghi, quan niệm “bỏ đói” khối u để tiêu diệt tế bào ung thư chỉ là những suy đoán và chưa có cơ sở khoa học chứng thực.
Nếu bệnh nhân không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể suy yếu và kiệt quệ. Bác sĩ Nghi khuyến cáo, bệnh nhân ung thư cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, vừa giúp hồi phục sau quá trình điều trị, vừa nâng cao sức khỏe và khả năng đề kháng. Song, không nên bồi bổ quá mức. Cần cân đối các nhóm thực phẩm, tăng cường các loại chứa nhiều vitamin, khoáng chất, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế thực phẩm chiên, nướng...
Theo lý giải của các bác sĩ, bệnh nhân ung thư khi trải qua các phương pháp điều trị như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị lại càng cần chế độ dinh dưỡng cao hơn để bồi bổ cơ thể. Đơn cử, chất đạm (protein) có vai trò quan trọng đối với cơ thể; thịt đỏ không chỉ chứa hàm lượng protein cao mà còn cung cấp chất sắt, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu do hóa trị, tăng sự ngon miệng ở bệnh nhân ung thư. Do đó, việc ăn thực dưỡng, “nói không” với thịt đỏ là sai lầm.
“Hiện nay, với những tiến bộ mới trong tầm soát và chẩn đoán, nhiều bệnh ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn rất sớm. Bệnh được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh và cơ hội sống 5 năm không tái phát càng cao. Tỷ lệ này lần lượt là 92% đối với ung thư phổi; 90% với ung thư đại trực tràng; 93% với ung thư vú và ung thư cổ tử cung…” bác sĩ Nghi nhấn mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, chế độ ăn kiêng thực dưỡng nghiêm ngặt có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, trừ khi được lên kế hoạch một cách kỹ càng. Nguy hiểm có thể đến với những người mắc bệnh ung thư - những người có thể đối mặt với việc sụt cân không mong muốn và thường có nhu cầu dinh dưỡng và calo tăng lên. Dựa vào thực dưỡng để điều trị bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bỏ qua thời điểm vàng để cứu sống bệnh nhân ung thư.
“Ở nước ngoài, bên cạnh việc chăm sóc tốt về bệnh tật, bệnh nhân ung thư còn được chăm sóc kỹ về tinh thần. Lý do, bệnh ung thư ngoài tổn thương về thể xác còn ảnh hưởng rất nhiều về mặt tâm lý. Chính vì vậy, ý tưởng chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư được Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Chợ Rẫy quan tâm hơn. Trung tâm thường xuyên tổ chức chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” nhằm xoa dịu về mặt tâm lý và tinh thần cho bệnh nhân ung thư. Sự cố gắng của mỗi cá nhân người bệnh sẽ quyết định rất lớn trong quá trình điều trị căn bệnh hiểm nghèo” - BS Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy.