Lạm phát hạ nhiệt sau tăng lãi suất?

Hà Anh 28/07/2023 07:08

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất sau 2 tháng tạm ngừng dự báo khả năng Mỹ sẽ đạt mục tiêu giảm tỉ lệ lạm phát xuống 2%. Liệu chu kỳ tăng lãi suất đã chấm dứt?

Để đạt mục tiêu giảm lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thực hiện tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Ảnh: Reuters.

Thắt chặt mục tiêu

Ngày 26/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi tạm dừng vào tháng 6, thừa nhận cần có thêm biện pháp để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, nền kinh tế và thị trường lao động vẫn cần chậm lại để lạm phát quay về mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương một cách đáng tin cậy.

Đây là lần tăng thứ 11 của Fed trong 12 cuộc họp gần đây nhất, theo đó đưa lãi suất quỹ liên bang, cơ sở để các ngân hàng tính lãi khi vay qua đêm, lên ngưỡng mục tiêu mới từ 5,25% đến 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua.

“Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ tiếp tục đánh giá thông tin bổ sung và ý nghĩa của lần tăng lãi suất này đối với chính sách tiền tệ” - Fed cho biết và để ngỏ các chính sách của ngân hàng trung ương khi họ tìm kiếm một điểm dừng cho chu kỳ thắt chặt hiện tại.

Chủ tịch Fed Powell cũng không đưa ra dự đoán nào đối với một đợt tăng lãi suất khác có thể được quyết định vào tháng 9 tới đây, mặc dù lạm phát tại Mỹ tiếp tục chậm lại, dữ liệu kinh tế yếu hơn cũng có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải tạm dừng tăng lãi suất.

Trước đó, lạm phát trong tháng 6 của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, đến nay, đã giảm khoảng 2/3 sau khi đạt đỉnh vào giữa năm ngoái. Nền kinh tế Mỹ được đánh giá vẫn đang phục hồi và tăng trưởng.

Theo báo cáo được Cục Thống kê thuộc Bộ Lao động Mỹ mới công bố, tính đến hết tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 3%, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng 4% ghi nhận trong tháng 5. Nếu so với tháng trước, CPI chỉ tăng 0,2%.

Đà giảm của lạm phát chủ yếu do giá năng lượng và các mặt hàng tạp hoá giảm. Giá xăng tăng 0,8% trong tháng 6 nhưng đã giảm 26,8% so với một năm trước.

Chỉ số CPI lõi, tức không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 4,8% trong tháng 6. Con số này thấp hơn mức dự báo là 5,0% và thấp hơn so với mức 5,3% của tháng 5. Thị trường lao động Mỹ cũng hạ nhiệt. Tăng trưởng tiền lương của người lao động không thay đổi ở mức 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí thuê nhà - động lực lớn nhất của lạm phát, đã chậm lại.

Tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất?

Theo Báo cáo lạm phát tháng 6 của Mỹ do Bộ Lao động nước này công bố ngày 12/7/2023, tất cả các chỉ số đều tăng ít hơn so với dự báo, làm dấy lên những tia hy vọng rằng Fed đã có thể tính đến việc kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong một cuộc họp báo sau động thái mới nhất của Fed hôm 26/7, Chủ tịch Fed Powell cho biết, ngân hàng trung ương đang xem xét rất kỹ tổng thể dữ liệu và đặc biệt, nghiên cứu các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hướng tới một giai đoạn "dưới xu hướng" – giai đoạn mà ông Powell nghĩ là cần thiết để lạm phát giảm xuống.

Mặc dù lạm phát đã giảm bớt, nhưng điều đó cho đến nay vẫn xảy ra với ít chi phí đối với thị trường lao động, nơi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 3,6%. Tăng trưởng kinh tế vẫn cao hơn tỷ lệ xu hướng ước tính của Fed là 1,8%;

Ông Powell thừa nhận, một diễn biến tích cực là lạm phát đã giảm từ mức cao nhất của năm ngoái mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Powell, khi Fed bước vào giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống lạm phát, việc hoàn thành nhiệm vụ có thể sẽ gây ra một số tổn thất kinh tế.

"Trường hợp khả quan là chúng tôi có thể đạt được mức lạm phát đúng với mục tiêu mà không có một cuộc suy thoái thực sự nghiêm trọng, khiến tình trạng mất việc làm ở mức độ cao. Nhưng đó là một chặng đường dài… Việc giảm lạm phát có thể đòi hỏi một giai đoạn tăng trưởng dưới xu hướng và một số điều kiện thị trường lao động dịu đi" – ông Powell nói.

Như đã tuyên bố sau cuộc họp vào tháng trước, Fed cho biết, họ sẽ xem xét dữ liệu sắp tới và nghiên cứu tác động của việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế để xác định mức độ củng cố chính sách bổ sung có phù hợp để đạt được mục tiêu lạm phát. Trong các dự báo gần đây nhất, 12 /18 nhà hoạch định chính sách cho biết, họ dự đoán sẽ cần ít nhất một lần tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay để các điều kiện tài chính đủ hạn chế nhằm đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm.

Ông Powell cho biết, các quyết định sẽ tiếp tục được đưa ra trên cơ sở từng cuộc họp và các quan chức chỉ có thể đưa ra hướng dẫn hạn chế về những gì tiếp theo đối với chính sách tiền tệ trong môi trường hiện tại.

Tuy nhiên, vị này cũng cảnh báo, không nên mong đợi bất kỳ sự nới lỏng lãi suất nào trong thời gian ngắn, “điều đó sẽ không xảy ra trong năm nay”.

Bà Veronica Clark, - một nhà kinh tế tại Citi Bank - cho biết: “Tôi nghĩ rằng, phải có suy thoái hoặc giảm tốc sâu hơn vào một thời điểm nào đó để đưa lạm phát trở lại mức 2%. Vì vậy, nếu chúng ta không gặp suy thoái trong năm tới, lạm phát cũng sẽ không trở lại mức 2%...".

Ông Rossi - Giáo sư kinh tế vĩ mô và kinh tế tiền tệ tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) – cho rằng, quyết định của Fed sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu sau khi các ngân hàng và tổ chức tài chính khác ghi nhận số lượng các khoản nợ xấu ngày càng tăng có thể khiến họ vỡ nợ. Theo ông Rossi, thay vì kiềm chế lạm phát, việc Fed tăng lãi suất lên 5,25 - 5,5% sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát.

Hà Anh