Đánh giá đúng để tránh học sinh ngồi nhầm lớp
Trong năm học qua, cả nước có 105.734 học sinh chưa hoàn thành chương trình, chiếm tỷ lệ 1,14% trên tổng số hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học. Trong đó, riêng lớp 1 có 52.456 học sinh xếp loại chưa hoàn thành, chiếm tỷ lệ 2,9% trên tổng số 1.763.961 học sinh lớp 1 của cả nước.
Cũng theo báo cáo nói trên, trong 52.456 học sinh chưa hoàn thành lớp 1 có 16.215 là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, 440 học sinh học lớp ghép và 3.624 học sinh khuyết tật.
Cụ thể, môn Tiếng Việt dẫn đầu các môn với 49.702 em bị đánh giá chưa hoàn thành; tiếp theo là môn Toán có 39.022 em bị xếp loại tương tự. Trong khi khối 2 đến khối 4 mỗi khối có từ 13.000 đến gần 16.000 em bị xếp loại tương tự. Khối 5 có số lượng học sinh xếp loại chưa hoàn thành ít nhất (hơn 5.000 em). Những học sinh này sẽ phải học bồi dưỡng trong hè và có nguy cơ ở lại lớp.
Về việc có tới trên 52 nghìn học sinh tiểu học “chưa hoàn thành lớp 1”, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) lý giải: Trước hết, con số đánh giá chất lượng dạy học ở bậc tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng thực tế không khác biệt so với các năm. Học sinh lớp 1 chưa hoàn thành nhiều nhất, sau đó lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 giảm dần. Lý do học sinh lớp 1 chưa hoàn thành nhiều nhất vì đây là năm đầu tiên của bậc học với nhiều yêu cầu về kỹ năng, năng lực cần đạt cũng như tạo nền tảng vững chắc để học sinh thuận lợi học các năm tiếp theo. Quan điểm của Bộ GDĐT là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học vì nếu lỏng lẻo sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó, có nguy cơ tái mù chữ và ngồi nhầm lớp.
Trước thềm năm học vừa qua, kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non; chủ yếu là trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và có cả phần ảnh hưởng bởi yếu tố dịch Covid-19. Không được học mẫu giáo, vào lớp 1 trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Con số hơn 52.000 em xếp loại thấp ở lớp 1 năm qua tương đương với con số khoảng 2% trẻ chưa được ra lớp mẫu giáo.
Theo ông Tài, năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên học sinh toàn quốc được đi học trực tiếp trọn vẹn sau dịch Covid-19 nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nói chung. Con số nêu trên cũng cho thấy sự trách nhiệm của các thầy cô giáo trên cả nước trong việc đánh giá học sinh và khách quan trong báo cáo.
Đối với học sinh "chưa hoàn thành", các nhà trường sẽ phải có kế hoạch dạy bù những phần kiến thức, nội dung các em chưa hoàn thành để học sinh đạt được các mục tiêu cần đạt. Trong số các học sinh "chưa hoàn thành" lớp 1, mỗi em chưa đạt ở một số nội dung, hoạt động khác nhau. Các em khuyết thiếu ở nội dung, hoạt động nào, giáo viên các trường sẽ tăng cường bù đắp cho học sinh ở nội dung đó. Thực tế, những năm trước việc này đã được thực hiện và mang lại hiệu quả.
Đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định, con số hàng chục nghìn học sinh đánh giá, xếp loại chưa hoàn thành cuối năm học không xuất phát từ chương trình, sách giáo khoa mới. Khi thiết kế, xây dựng chương trình GDPT mới, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục rất quan tâm tới đối tượng học sinh lớp 1 để có những điều chỉnh phù hợp.
Thời gian tới, nhằm tăng cường chất lượng giáo dục tiểu học cũng như nâng tỷ lệ học sinh hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, nhất là đối tượng học sinh ở vùng khó khăn, theo ông Tài, Bộ GDĐT rất mong các địa phương tạo điều kiện, vượt khó để tất cả học sinh trong độ tuổi 5-6, nhất là trẻ vùng sâu, vùng xa tiếp cận được chương trình mầm non.
Bộ GDĐT hiện đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về dạy học Tiếng Việt cho trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Theo đó, sẽ có những nội dung bù đắp kiến thức, kết nối chương trình giáo dục mầm non với bậc tiểu học và nhiệm vụ này được các trường tiểu học thực hiện tại trường trước khi bước vào khai giảng năm học mới.