Resort 'bủa vây' bờ biển Hồ Tràm
Những bức tường bằng tôn của hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng (resort), khách sạn, căn hộ biển (condotel) che chắn, khiến không gian biển tại Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị bịt kín. Tắm biển - một nhu cầu hưởng thụ chính đáng của người dân đã bị hạn chế bởi lợi ích của những nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.
Hồ Tràm là một trong những bãi biển được du khách khắp nơi biết đến bởi nước trong xanh, sạch và những bãi cát trắng thơ mộng. Tuy nhiên, nơi đây hiện đang trở thành “đại công trường” của nhiều dự án resort, khách sạn, condotel.
Chỉ tính riêng khu vực xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc đã có hàng chục “đại công trường” mọc lên. Khắp nơi là những bức tường bằng tôn được quây lại. Bờ biển, mặt biển đã bị bịt kín. Với nhiều người dân, việc ngắm bờ biển giờ đây còn khó chứ chưa nói đến chuyện tắm biển.
Bà B.T.T., người dân xã Phước Thuận cho biết, khoảng 5 đến 10 năm trước, khu vực biển Hồ Tràm còn hoang sơ, bờ biển rất đẹp. Vào mùa hè, người dân trong xã và một số địa phương lân cận thường xuống tắm biển rất đông. Theo bà T., nhiều khu vực biển ngày xưa người dân hay xuống tắm giờ đã phải “nhường” đất cho resort. “Khắp nơi là resort, bịt kín hết cả lối xuống biển. Nhiều nơi chưa xây cũng quây tôn kín mít” - bà T. nói và băn khoăn khi không gian biển ngày càng bị hẹp dần vì ngoài những khách sạn, resort đã xây dựng thì hàng loạt những khu vực khác cũng đang rục rịch chuẩn bị xây dựng.
Ông N.V.H. - khách du lịch đến từ tỉnh Đồng Nai cho biết, bản thân ông rất bất ngờ vì tốc độ phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và căn hộ biển của khu vực Hồ Tràm diễn ra quá nhanh. Theo ông H., cả gia đình ông gồm 5 người phải mua vé ở một khu kinh doanh dịch vụ để xuống tắm biển với giá 50 nghìn đồng/vé/người lớn và với trẻ nhỏ là 30 nghìn đồng bao gồm chòi, ghế, tắm nước ngọt, tắm biển, giữ xe...
Ghi nhận tại khu vực này cho thấy, dọc đường Trần Vĩnh Lộc (đường ven biển Lộc An - Bình Châu) đoạn xã Phước Thuận, các công trình như resort, condotel đang được xây dựng với mật độ rất dày, trong đó có nhiều dự án với diện tích rất lớn như: The Seaclass Charm resort Hồ Tràm khoảng gần 19ha; Hyatt Regency Hồ Tràm Residence gần 10ha…. Toàn bộ đều đã được chủ đầu tư quây tôn che chắn. Bờ biển vốn dĩ là không gian công cộng và bất cứ người dân nào cũng có quyền được tiếp cận. Tuy nhiên, tại Hồ Tràm, “đặc quyền” ấy nay đã bị hàng loạt dự án như trên khước từ.
Bên cạnh những “đại công trường” đang được xây dựng thì dọc cung đường ven biển Hồ Tràm - Bình Châu hiện nay còn khá nhiều khu đất “nằm im” phía sau lớp tôn kéo dài hàng km bởi nhiều chủ đầu tư dự án chưa triển khai xây dựng, bỏ hoang suốt nhiều năm trời khiến người dân bức xúc vì bờ biển bị chiếm dụng, trong khi đó, tài nguyên đất, tài nguyên biển đang bị lãng phí.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, đơn vị là đầu mối quản lý các dự án du lịch được tỉnh cấp phép sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác. Về các vấn đề liên quan đầu tư ban đầu hoặc đất đai, xây dựng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, quản lý.
Theo thống kê của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến ngày 31/1/2023, trên địa bàn tỉnh này có 133 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (gồm 117 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư hơn 57,2 tỷ đồng và gần 9 tỷ USD. Trong đó, có 51 dự án đang hoạt động hoặc hoạt động một phần với diện tích 789ha; 36 dự án đang xây dựng có diện tích 606ha; 46 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư với diện tích 1.570ha. Tính từ năm 2014 đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chấm dứt hoạt động 34 dự án; chấm dứt hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư của 49 dự án du lịch; giãn tiến độ cho 37 dự án với diện tích 715ha.