Lái xe ô tô đâm vào 3 người đang ngồi trên vỉa hè sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?
Tài xế điều khiển ô tô mất lái đâm vào 3 người đang ngồi uống trà đá trên vỉa hè sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự lẫn trách nhiệm dân sự đối với hành vi của mình.
Trước đó, vào lúc 20h55 ngày 26/7, ô tô Toyota Camry mang BKS 29A-680.xx do tài xế N.T.V. (60 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển, đi trên đường Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) hướng từ cầu Thăng Long tới Bến xe Mỹ Đình.
Khi đến số nhà 163 đường Phạm Văn Đồng, tài xế bất ngờ mất lái khiến ô tô lao thẳng lên vỉa hè, đâm vào 3 người đang ngồi uống trà đá, là N.M.T. (nạn nhân đã tử vong), V.H.L. (SN 2001, ở Hà Nội) và N.P.A. (ở Hà Nội).
Qua kiểm tra, lái xe V. không vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Trao đổi về vụ việc này, Luật sư Tạ Phương, thuộc Văn phòng Luật sư Trung Hoà – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tài xế V. có thể chịu trách nhiệm hình sự lẫn trách nhiệm dân sự khi gây tai nạn giao thông.
Trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, theo đó: người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ mà gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm chết người thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt có thể là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, không thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, do vậy nếu người nhà của bị hại rút đơn tố giác, vụ án vẫn bị khởi tố, việc gia đình bị hại rút đơn chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đối với vụ việc này cần phải xem xét thêm người đó có hành vi vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ hay không, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm? Để xem xét vấn đề này cần dựa vào biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận từ phía cơ quan chức năng và những chứng cứ có liên quan khác (nếu có) để xác định khung hình phạt đối với người đó.
Trách nhiệm dân sự
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi trong trường hợp người nào có lỗi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm: theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Về thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng: Điều 591 Bộ luật Dân sự quy định về việc xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Theo đó, các thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được bồi thường bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 BLDS năm 2015; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và thiệt hại khác do pháp luật quy định. Ngoài trách nhiệm bồi thường theo những tiêu chí trên, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.
Vì vậy, các gia đình bị hại có thể căn cứ vào những tiêu chí xác định thiệt hại do sức khoẻ, tính mạng bị xâm phạm để yêu cầu mức bồi thường hợp lý. Nếu hai bên không thể tự thỏa thuận được mức bồi thường thì gia đình các bị hại có quyền khởi kiện người lái xe gây tai nạn đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.