An Giang: Xây mới, sửa chữa hơn 12.000 căn nhà Đại đoàn kết
Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, An Giang đã tổ chức bàn giao hơn 9.000 căn nhà và sửa chữa hơn 3.600 căn nhà Đại đoàn kết, trao học bổng cho trên 27.427 em học sinh nghèo, khánh thành được 586 cây cầu, nâng cấp, sửa chữa lộ giao thông nông thôn với … tổng kinh phí ước tính trên 1.000 tỷ đồng.
Ngày 28/7, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ VII, Khóa X, nhiệm kỳ 2019-2024; Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023 trên địa bàn tỉnh An Giang (gọi tắt là Ngày hội).
Xây mới, sửa chữa hơn 12.000 căn nhà Đại đoàn kết
Theo báo cáo, trong 20 năm qua, Ngày hội đã được Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận các cấp và Ban công tác Mặt trận là nòng cốt, quan tâm triển khai sâu rộng đến từng địa phương, hộ gia đình, được đông đảo nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Thông qua tổ chức Ngày hội, đã gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương; tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết trong các tổ chức tôn giáo, dân tộc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, qua đó thể hiện được vị trí, vai trò của MTTQ các cấp.
Thông qua Ngày hội hàng năm đã phát hiện nhiều gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như trong học tập, lao động sản xuất, các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp. Khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa"; góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân, không ngừng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Nhân dịp tổ chức Ngày hội, đã tổ chức bàn giao trên 9.136 căn nhà và sửa chữa 3.638 căn nhà Đại đoàn kết, trao học bổng cho trên 27.427 em học sinh nghèo, khánh thành được 586 cây cầu giao thông nông thôn, rải đá mi, nâng cấp, sửa chữa lộ giao thông nông thôn trên 11.000 km, lắp trên 510 km đèn đường và khởi công nhiều công trình an sinh xã hội khác,… tổng kinh phí ước tính trên 1.000 tỷ đồng. Tổ chức thăm, tặng quà cho trên 66.910 hộ gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 32,4 tỷ đồng.
Đặc biệt thông qua Ngày hội đã khuyến khích nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, kết quả đã tham gia hàng triệu ngày công lao động (ước tính qui tiền gần 281 tỷ đồng) để phục vụ thực hiện các công trình an sinh xã hội và công tác từ thiện xã hội; vận động người dân hiến đất được trên 150 ha (ước tính qui tiền gần 768 tỷ đồng) để làm đường giao thông nông thôn, nghĩa trang nhân dân và một số công trình công cộng khác; vận động vật tư để xây dựng các công trình công cộng trong xây dựng nông thôn mới được trên 136 tỷ đồng.
Các kiến nghị qua giám sát của Mặt trận được quan tâm, giải quyết
Tại hội nghị, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang cũng báo cáo về Kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2023
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chương trình trọng tâm, kế hoạch trong năm, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh đạt hiệu quả thiết thực, cơ bản được đảm bảo tiến độ nhiệm vụ đã đề ra.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ được cụ thể, hướng dẫn đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và nắm tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân được tổng hợp ngày càng hiệu quả, chất lượng để kịp thời phản ánh với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành liên quan.
Việc tập hợp, đoàn kết các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh được phát huy hiệu quả thông qua các hoạt động thăm hỏi chúc mừng các ngày lễ trong trong dân tộc, tôn giáo; họp mặt mừng Xuân, sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức tôn giáo chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác chăm lo quà tết cho hộ nghèo, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp được Mặt trận các cấp thực hiện tốt, chăm lo quà Tết cho người nghèo vui Xuân đón Tết, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, hỗ trợ đột xuất, thiên tai dịch bệnh…đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Công tác phối hợp với chính quyền, ban, ngành ngày càng chặt chẽ; góp phần cho Mặt trận các cấp thực hiện có hiệu quả chương trình, công tác trọng tâm đã đề ra.
Công tác giám sát, tham gia góp ý, phản biện của Mặt trận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng đi vào thực chất; các kiến nghị qua giám sát của Mặt trận các cấp từng bước các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương lắng nghe, quan tâm và chủ động giải quyết.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn đều phối hợp với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xã, phường, thị trấn thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát các công trình trên địa bàn, các công trình nạo vét kênh, mương chống hạn, các khoản thu do nhân dân đóng góp, các công trình cụm tuyến dân cư, các công trình phúc lợi công cộng… Qua giám sát, đã phát hiện một số sai sót của công trình và đã được kiến nghị cấp ủy, chính quyền xử lý, đề nghị các đơn vị thi công công trình khắc phục.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rải trong các tầng lớp Nhân dân được tiến hành từ tháng 2/2023 đến ngày 15/3/2023 với nhiều hình thức. Kết quả, toàn tỉnh tổ chức được 580 cuộc với trên 30.380 lượt người tham dự, đóng góp 3.038 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đóng góp trên 50 vấn đề liên quan đến 15 chương của dự thảo Luật. Một số ý kiến, kiến nghị của An Giang đã được Ủy ban Mặt trận Trung ương ghi nhận đưa vào báo cáo chung để gửi đến Quốc hội.