Khó 'cấm cửa' xe cũ nát, tự chế - vì sao?
Không chỉ đau đầu với tình trạng vi phạm luật giao thông, TPHCM còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát nguồn phát thải gây ô nhiễm từ hàng triệu xe cũ nát vẫn đang lưu hành hiện nay. Giới chuyên gia nhận định, TPHCM cần có giải pháp quyết liệt hơn mới có thể “cấm cửa” hoàn toàn loại phương tiện này ở khu vực nội đô.
Hiểm họa từ xe cũ nát, xe tự chế
Theo chân Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) An Sương thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08, Công an TPHCM) làm nhiệm vụ tại giao lộ đường Nguyễn Thị Sóc và Quốc lộ 22 thuộc địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM), chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng xử phạt nghiêm, thậm chí thu giữ phương tiện.
Anh N.Q.V. (22 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) di chuyển từ chợ đầu mối huyện Hóc Môn khi đi qua giao lộ này thì bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ do hành vi không đội mũ bảo hiểm và chạy xe máy “cà tàng”. Tuy nhiên, anh V. không trình được các giấy tờ chứng minh nên đội CSGT đã lập biên bản xử phạt, đồng thời tạm giữ phương tiện. Theo chia sẻ của anh V., dù biết tuyến đường cấm xe 3 - 4 bánh tự chế và phương tiện cũ nát, thế nhưng gia cảnh khó khăn nên anh vẫn phải mưu sinh bằng chiếc xe này.
“Hàng ngày, tôi vẫn phải di chuyển vào chợ đầu mối để lấy hàng rồi từ đó vận chuyển thực phẩm về khu công nghiệp Vĩnh Lộc B để bán lại cho công nhân, người lao động. Mưu sinh khó khăn, thật sự chúng tôi chưa thể tìm được cách vận chuyển nào tốt hơn” - anh V. nói.
Theo một cán bộ của Đội CSGT An Sương, với các lỗi vi phạm, trường hợp như anh N.Q.V. bị lập biên bản xử phạt hơn 2 triệu đồng và tạm giữ phương tiện từ 7-9 ngày. Theo ghi nhận của PV, chỉ trong khoảng gần 2 giờ đồng hồ lập chốt kiểm tra, Đội CSGT An Sương đã lập biên bản xử phạt hành chính hàng chục trường hợp, trong đó có 6 trường hợp vi phạm liên quan đến xe cũ, xe 3-4 bánh tự chế. Trong đó, CSGT đã tạm giữ 5 xe, 1 trường hợp xuất trình được giấy tờ xe nên chỉ phạt lỗi kéo theo vật khác. Ngoài Đội CSGT An Sương, nhiều Đội CSGT các khu vực Chợ Lớn, Bình Triệu, Cát Lái, Rạch Chiếc đã xử phạt hàng nghìn phương tiện xe cũ nát, xe thô sơ chỉ trong đợt ra quân xử lý người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy tự ý thay đổi kết cấu, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, kéo theo vật khác, chở hàng cồng kềnh...
Ghi nhận thực tế tại giao lộ Võ Văn Kiệt và Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM), Đội CSGT Chợ Lớn (thuộc PC08) cũng đã xử phạt hàng chục người lưu thông bằng xe cũ nát hoặc người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy tự ý thay đổi kết cấu, xe tự chế, kéo theo xe chở hàng… Theo Đội CSGT Chợ Lớn, đây là các phương tiện tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao, nhất là khi di chuyển vào buổi tối trên các cung đường thiếu ánh sáng.
Xử lý “thủ phạm” phát thải khí độc cách nào?
Không chỉ thiếu an toàn khi tham gia giao thông, các phương tiện xe cũ nát, xe thô sơ, xe 3-4 bánh tự chế cũng là “thủ phạm” phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu của PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM), toàn thành phố có hơn 7,3 triệu xe máy, trong đó nhiều xe cũ nát sử dụng hơn 10 năm. Đây là nguồn phát thải chủ yếu, bao gồm các chất ô nhiễm NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5 thải ra từ phương tiện xe cơ giới chiếm đến gần 80% lượng bụi mịn do hoạt động giao thông gây ra. Dù chưa có thống kê đầy đủ nhất nhưng theo chuyên gia này ước tính, hàng năm riêng TPHCM có gần 1.400 người tử vong vì các chất gây ô nhiễm không khí. Từ đó, ông Bằng cho rằng, cần thiết phải giảm phát thải trong các hoạt động giao thông vận tải, trong đó cần giảm việc sử dụng xe máy, nhất là thu hồi triệt để các phương tiện cũ nát, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch, kiểm tra khí thải xe máy định kỳ…
Từ góc nhìn của ngành y tế, BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TPHCM cũng đưa ra cảnh báo, tình trạng phát thải từ phương tiện giao thông đang là “thủ phạm” gây ra bệnh hen xuyễn gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cũng cho thấy con số đáng báo động khi có đến gần 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng hoặc bệnh nhân bị hen phế quản đi kèm và 80% bệnh nhân hen bị viêm mũi dị ứng. Số bệnh nhân cũng không ngừng gia tăng hàng năm, cho thấy mức độ ngày càng đáng lo ngại hơn. Do đó, ngoài những biện pháp căn cơ đang được triển khai từ các cấp chính quyền, thành phố cũng cần xây dựng ứng dụng cảnh báo về chất lượng không khí mỗi ngày ở các quận huyện và TP Thủ Đức để người dân tiếp cận được với các cảnh báo về sức khỏe thường xuyên.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, thành phố đã khởi động đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố” nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc thí điểm mới rải rác chưa đem lại hiệu quả như mong muốn do đó cần các chế tài đi kèm.
“Trong giai đoạn 2023-2024 thành phố sẽ thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy đang lưu hành trên địa bàn, với nguồn kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 553 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đang Dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Trong đó, có nội dung liên quan đến đề xuất mô tô, xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ” – ông Ninh chia sẻ đồng thời cho rằng, khi có luật kiểm tra khí thải xe máy định kỳ cùng với các nỗ lực hiện nay về thu hồi xe cũ nát, sẽ là chìa khóa để ngăn chặn nguồn phát thải khí ô nhiễm do các phương tiện này gây ra.
Tính đến nay, trên toàn TP HCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe thô sơ cũ nát, xe 3-4 bánh tự chế, đồng thời chi khoảng 160 tỷ đồng hỗ trợ chủ phương tiện bị thu hồi, tiêu hủy. Để hạn chế tối đa tình trạng mất an toàn giao thông từ các phương tiện này gây ra, Sở GTVT TPHCM đã có văn bản cấm các loại xe này lưu thông trong khu vực trung tâm TPHCM và một số tuyến đường lân cận kể từ năm 2020 cho đến nay. Đồng thời, mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiến hành cấm triệt để các loại phương tiện xe thô sơ, xe cũ nát.