Lựa chọn tổ hợp môn học: Vẫn vắng bóng các môn nghệ thuật
Ở năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, tình trạng thiếu giáo viên các môn nghệ thuật vẫn là thách thức với phần lớn các trường phổ thông.
Tư vấn, định hướng khi lựa chọn tổ hợp
Bùi Minh Châu (lớp 10 Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) cho biết, em đã đăng ký vào lớp học theo chương trình IELTS sau khi được tư vấn, định hướng từ nhà trường. Về tổ hợp môn tự chọn, em xác định mình sẽ theo học khối tự nhiên sau này nên đã đăng ký tổ hợp có môn Lý và Hóa. “Em rất thích môn Âm nhạc ở cấp THCS nhưng rất tiếc ở cấp 3, trường chưa giảng dạy môn này nên đành gác lại đam mê này” - Châu nói.
Ở năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, tình trạng thiếu giáo viên các môn nghệ thuật vẫn là thách thức với phần lớn các trường phổ thông. Ông Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết, nhà trường gặp khó khăn trong quá trình triển khai các môn học nghệ thuật khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng, giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật cũng chưa có.
Tương tự, tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước, việc tiếp tục vắng bóng các môn học nghệ thuật trong các tổ hợp lựa chọn là thực tế hiển nhiên do thiếu giáo viên. Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) thông tin, năm học 2023-2024, nhà trường có 5 nhóm tổ hợp môn với các chuyên đề học tập tương ứng. Ngay khi tiếp nhận hồ sơ học sinh làm thủ tục nhập học, nhà trường đã chủ động thông tin đến học sinh, phụ huynh về các tổ hợp môn học sẽ được trường triển khai ở lớp 10 trong năm học tới. Đồng thời, có những tư vấn, định hướng trực tiếp từ giáo viên, cán bộ tuyển sinh để việc lựa chọn được chính xác.
Tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) năm nay có 10 tổ hợp. Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường, năm nay tăng thêm 3 tổ hợp so với năm ngoái, đồng thời có thêm môn học mới là môn Âm nhạc được đưa vào giảng dạy. Điều này giúp giúp học sinh có sự lựa chọn đa dạng hơn.
Khắc phục khó khăn
Mặc dù đã là năm thứ 2 học sinh được chọn môn học ngay từ khi bắt đầu vào học lớp 10 thay vì phải học tất cả các môn như trước đây song thực tế việc lựa chọn tổ hợp nào, môn học nào đối với học sinh và gia đình vẫn còn rất nhiều lúng túng băn khoăn. Nhất là khi các trường đã có sẵn những nhóm tổ hợp được đưa ra căn cứ trên đội ngũ giáo viên nhà trường đang có, cơ sở vật chất… nên chắc chắn vẫn có những bất cập.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nhìn nhận, sau 1 năm triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở bậc THPT, thấy rõ sự lúng túng của các nhà trường trong việc tư vấn, định hướng cho học sinh chọn tổ hợp môn học. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng, chọn tổ hợp thì việc này mới thay đổi.
Hiện vẫn còn một tỷ lệ học sinh chưa thực sự xác định được nguyện vọng của mình nên trong quá trình học, nhiều học sinh đã quyết định thay đổi lựa chọn tổ hợp. Điều này gây lúng túng trong quá trình điều hành của nhà trường.
Từ thực tế triển khai dạy và học cho thấy tính đồng bộ trong triển khai chương trình ở khối 10 cũng như ở cấp THCS trước đó còn chưa được đảm bảo. Các trường chưa được cung cấp đầy đủ trang thiết bị để dạy học. Đội ngũ nhân lực ở nhiều trường còn thiếu nên có những tổ hợp rất cứng nhắc, chủ yếu đi theo các khối tuyển sinh đại học trước kia mà chưa có tính dự báo nghề nghiệp.
Bà Thơ cho rằng, trước hết ngành giáo dục phải thay đổi. Không thể ngồi chờ để có biên chế, có phòng ốc mới triển khai được. Quyền lợi học tập của học sinh rất quan trọng. Nếu học sinh không được trải nghiệm ở bậc phổ thông thì làm sao các em có sự chuẩn bị ở tương lai để lựa chọn được? Do đó, cần dùng phương thức xã hội hóa, phối hợp với các trung tâm nghệ thuật, trung tâm cộng đồng ở địa phương, nguồn lực của cựu học sinh và các chuyên gia để đảm bảo việc dạy và học trong nhà trường, giúp học sinh được học tập toàn diện như mục tiêu giáo dục mà chúng ta mong muốn.
Theo bà Thơ, hiện nay học sinh lựa chọn thiếu định hướng từ cấp THCS trong khi tuyển sinh vào lớp 10 hiện chưa có thay đổi gì dẫn đến giai đoạn lớp 8, 9 học sinh tập trung vào các môn học thi lớp 10 đã. Tới khi đỗ lớp 10, các em có một khoảng thời gian ngắn để lựa chọn môn học. Khi đó, rõ ràng khó đủ thời gian để cân nhắc, có được sự lựa chọn sáng suốt. Vì vậy, cần thực hiện đúng và tốt chức năng định hướng giáo dục nghề nghiệp từ THCS để các em hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như định hướng nghề nghiệp mình nên đi theo trong 5, 6 năm tới.
Đồng thời, các trường THCS và THPT cần có sự liên kết phối hợp với nhau để làm tốt công tác định hướng, hướng nghiệp. Bên cạnh đó, cần định hướng việc thi tuyển vào lớp 10 của các địa phương, trả lời câu hỏi chúng ta có định hướng thi theo năng lực không?
Học sinh sẽ phải theo môn học đã chọn suốt các năm cấp 3. Trong trường hợp học sinh muốn thay đổi môn học, việc đổi môn chỉ được thực hiện ở cuối năm học và học sinh sẽ phải tự học bù kiến thức của môn học mới ở các lớp trước.
Liên quan đến việc nhiều địa phương, trường học lúng túng trong việc tạo điều kiện cho khi học sinh chuyển trường. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý, các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường. Với tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, cần có hướng dạy bù, tạo điều kiện để học sinh học bù, đảm bảo kiến thức.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà nhiều nghiên cứu thống kê dự báo nguồn nhân lực đã chỉ ra chúng ta thiếu nhiều giáo viên ở các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng khối nghệ thuật. Tuy nhiên, quyết tâm để chuẩn bị nguồn lực này vẫn chưa có sự sẵn sàng từ phía các địa phương.