Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giám sát
Theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, không còn tổ chức HĐND ở quận, phường thì việc tăng cường hoạt động giám sát của các chủ thể được giao quyền là rất cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để hoạt động này có hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
Theo bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, giai đoạn từ 2021 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố đã có nhiều đổi mới về phương thức tiến hành giám sát, trong đó đã xác định có trọng điểm hơn với những nội dung nhân dân quan tâm.
Bà Yến cho biết, riêng năm 2022, MTTQ các cấp tập trung giám sát các tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên. Từ đó, nhiều mô hình, cách làm có hiệu quả trong hoạt động giám sát được nhân rộng, điển hình như MTTQ quận 1, 5, 11 và quận Phú Nhuận sau khi công bố thành lập đoàn giám sát, Trưởng đoàn giám sát đã phân công từng thành viên trong đoàn nghiên cứu trước nội dung báo cáo của các cá nhân và đơn vị được giám sát, thu thập các thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác giám sát.
Tại quận 1, qua giám sát, các thành viên trong đoàn được phát phiếu lấy ý kiến để đánh giá sự hợp tác của các cá nhân, đơn vị được giám sát, sự tham gia của từng thành viên trong đoàn, góp ý nội dung báo cáo kết quả giám sát và các kiến nghị đối với các cá nhân, đơn vị được giám sát.
Trong khi đó, MTTQ quận 8 xây dựng mô hình hộp thư “Ý Đảng - Lòng dân” đặt tại trụ sở Ủy ban MTTQ quận, các phường và khu phố; Mặt trận huyện Hóc Môn xây dựng mô hình “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn dân cư”; Mặt trận quận 11 với mô hình “Tổ giám sát cộng đồng”…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM cũng cho rằng, hoạt động này vẫn còn tồn tại những hạn chế chưa thể khắc phục như: Chất lượng, hiệu quả công tác giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu, điều này được thể hiện ở chỗ việc giám sát ở một số nơi còn thiếu trọng tâm, tính chủ động và kịp thời còn thấp. Đặc biệt, việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng dẫn đến một số tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát.
Làm rõ nội hàm “chịu sự giám sát”
Là tổ chức thành viên của MTTQ, Hội Cựu Chiến binh TPHCM cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp giám sát hiệu quả. Ông Phạm Ngọc Đại - Phó Trưởng ban kiểm tra Hội Cựu Chiến binh TPHCM cho biết, trước tiên cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm, báo cáo cấp ủy cùng cấp phê duyệt trước khi triển khai. Đây là phương pháp rất quan trọng, là cách thức để đoàn giám sát đạt được mục đích, chỉ tiêu giám sát. Trong đó, ngoài mục đích, yều cầu đề ra, cần xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian giám sát. Tiếp đến, qua khảo sát, nắm vững tình hình, nghiên cứu lựa chọn, đề xuất nội dung quan trọng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đoàn giám sát tại thời điểm giám sát, bảo đảm thuận lợi trong tiến hành và giám sát thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị, tổ chức được giám sát.
“Kết luận giám sát phải khách quan, minh bạch, công khai, mang tính xây dựng và thuyết phục cao. Những đề xuất kiến nghị sau giám sát phải được tiếp thu, sửa chữa, theo dõi thực hiện triệt để; phúc tra việc thực hiện kiến nghị giám sát nếu thấy cần thiết” - ông Đại góp ý.
Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM cho hay, Ban Pháp chế - nơi ông làm việc chịu trách nhiệm giám sát trong các lĩnh vực thi hành Hiến pháp và pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính ở địa phương. Từ thực tiễn giám sát, ông Đức chia sẻ, đầu tiên cần lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm, hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trùng khớp với các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố. Sau đó cần chủ động nắm bắt thông tin từ hoạt động của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND ở địa phương nơi ứng cử để nắm thông tin, giám sát thường xuyên đối với các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách từ đó xác định các vấn đề bất cập để tập trung lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề.
“Chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát sẽ được nâng lên nếu biết phát huy vai trò của các chuyên gia tham gia đoàn giám sát và tăng cường hoạt động khảo sát thực tế gắn với giám sát” - ông Đức nói.
Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến - Phó chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho rằng, công tác giám sát là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách. Để công tác giám sát được hiệu quả, bà Xuyến kiến nghị, cấp ủy cần phân tích, làm rõ vai trò của Đảng trong công tác lãnh đạo, định hướng nội dung giám sát.
Theo bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, qua các hoạt động giám sát và các kênh tiếp xúc, đối thoại của MTTQ các cấp của thành phố đã truyền tải được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân… góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật.