Giá lúa gạo tăng: Nông dân mừng nhưng vẫn lo
Những ngày qua, câu chuyện về giá lúa gạo trở thành chủ đề nóng với người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Giá lúa gạo tăng liên tục khiến nông dân phấn khởi với hy vọng lãi đậm vụ lúa Thu Đông đang canh tác. Thế nhưng, diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu và tình trạng giá nông sản lên xuống thất thường nhiều năm qua khiến người nông dân vẫn canh cánh nỗi lo...
Nhiều người không còn lúa để bán
Ông Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Thắng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, các thương lái đang đến địa phương thu mua lúa với giá khoảng 6.800 đồng/kg nhưng HTX và nông dân không còn lúa để bán do vụ lúa hè đã thu hoạch xong từ rất lâu. “Khi tới vụ thu hoạch lúa hè thu nông dân đã bán lúa tươi hết rồi. Tới đợt tăng giá như hiện nay thì nông dân và HTX không còn lúa. Thời điểm đó, giá thương lái thu mua là 6.200 đồng/kg. Giá này là đã cao hơn các năm. Cộng thêm năm nay giá phân bón, vật tư giảm hơn nên nông dân lãi từ 2 đến 3 triệu mỗi công (một công là 1.300 mét vuông)” - ông Siêu nói.
Khoảng 1,5 tháng nữa nông dân tại HTX nông nghiệp Thuận Thắng, huyện Thới Lai sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông. Với giá lúa hiện tại, bà con nông dân đang rất phấn khởi và trông chờ vào một đợt trúng mùa, trúng giá. “Hiện “cò” lúa, thương lái liên tục liên hệ nông dân để đặt cọc lúa. Lúc đầu mới sạ thì “cò” đến trả giá hơn 6.000 đồng/kg rồi lên 6.200 đồng, đến 6.600 đồng/kg. Khoảng 1 tuần nay, họ đòi đặt cọc với giá 6.800 đồng/kg.
Tuơng tự, nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Hậu Giang cũng không còn lúa hè thu để bán. Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhờ giá phân bón giảm kéo theo chi phí sản xuất xuống nên hầu hết bà con nông dân đều rất phấn khởi và có lãi trong vụ lúa hè thu. “Mấy năm nay, giá gạo có tăng thật nhưng mà giá lúa lúc thu hoạch vụ hè thu vừa rồi cũng chưa tăng cao như hiện nay. Ở đây thu hoạch xong vụ hè thu lâu rồi, đã xuống giống vụ thu đông hơn 10 ngày rồi. Hy vọng giá lúa sẽ tốt hơn nữa” - ông Đời nói và cho biết thêm, mặc dù giá lúa đang có chiều hướng tốt nhưng người dân vẫn cần ứng dụng đồng bộ giải pháp nhằm giảm giá thành, sản xuất lúa theo quy trình để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Vẫn nhiều âu lo
Mặc dù giá lúa gạo đang tăng nhưng trước những ảnh hưởng và diễn biến khó lường của biến đối khí hậu, nông dân ĐBSCL vẫn canh cánh nỗi lo được giá nhưng mất mùa.
Ông Thiều Quang Hải (59 tuổi, nông dân ở tỉnh Hậu Giang), cho biết hiện nay nhiều thương lái đang bắt đầu đặt cọc thu mua lúa vụ thu đông. Nhiều hộ dân vẫn chưa chấp nhận nhận cọc của thương lái với hy vọng chờ giá lúa tăng thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Hải mặc dù thương lái chấp nhận đặt cọc lúa với giá cao nhưng theo cách buôn bán truyền thống như hiện nay, nông dân vẫn dễ lâm vào cảnh thiệt thòi nếu chẳng may giá lúa bất ngờ giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch. Câu chuyện thương lái bỏ cọc, không thu mua khiến nông sản phải chờ giải cứu không còn xa lạ.
“Nông dân rất thiệt thòi. Thu hoạch xong mà muốn trữ lại chờ giá tăng thì không có chỗ để chứa trong khi điều kiện phơi sấy không đảm bảo. Nhận cọc trước thì khi giá lúa tụt xuống thì mình cũng bị ép bán thấp xuống chứ không thì cò, thương lái người ta bỏ cọc. Tiền cọc lúa 1 công khoảng 300.000 đồng thôi nên giá mà giảm là thương lái chấp nhận bỏ chạy. Người dân lúc đó phải bán tháo, bán đổ chứ để giữ lại là hỏng, mốc. Trong khi đó, nhận cọc rồi mà đến khi thu hoạch nông dân không chấp nhận bán như giá thoả thuận thì phải bồi thường cho thương lái gấp đôi” - ông Hải nói đồng thời cho biết.
Bà con mong muốn có được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, có giá sàn từ ngay buổi ban đầu, ví dụ như 6.000 đồng hay 7.000 đồng/kg để bà con nắm được, trên cơ sở đó, an tâm đầu tư sản xuất. Thứ 2, mong chính quyền và các bộ ngành có biện pháp thu mua, dự trữ lúa giúp nông dân mỗi khi thị trường biến động, giá lúa xuống thấp.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nắm bắt cơ hội giá lúa gạo hiện nay, các doanh nghiệp (DN) nên ký thêm các hợp đồng “tương lai” để xuất khẩu gạo trong năm tới với giá tương lai để đảm bảo chắn chắn đầu ra hạt gạo với giá cả hợp lý. “Tôi nghĩ các DN nên ký thêm các hợp đồng với đối tác trong năm tới theo kiểu các nước trên thế giới đang bán cà phê, ngô theo giá tương lai. Bán theo giá tương lai, các DN chắc chắn có đầu ra. Các DN khi có đầu ra thì ngồi lại với chính quyền địa phương thuyết phục nông dân khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng đã ký. Đây là lúc DN và nông dân cần hợp tác chặt chẽ để tăng cường uy tín, chất lượng gạo Việt Nam” - ông Xuân nói.
TS Trần Hữu Hiệp - người có nhiều nghiên cứu về kinh tế ĐBSCL nhận định, thị trường lúa gạo đang cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thiên tai, giá cả lương thực leo thang và Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, việc tăng hay giảm, thậm chí hạn chế xuất khẩu, gạo Việt lại trở nên nóng như đã từng xảy ra vào các năm 2008, 2020 và năm 2022. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm, mọi quyết định điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay đều tác động mạnh mẽ đến thị trường gạo trong nước và thu nhập trực tiếp của nông dân. Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt trong dài hạn, nhưng các quyết định tình thế, tận dụng thời cơ có tác động rất quan trọng, phải vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng không thể bỏ qua lợi ích, thu nhập của người trồng lúa.