Dệt may vượt khó ngoạn mục
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, hết tháng 7/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Theo ông Giang, con số trên cho thấy những nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp dệt may cũng như tín hiệu tốt của ngành. Mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 17% tại thời điểm cuối tháng 6.
Tín hiệu tích cực
Ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết: “Tháng 6, ngành dệt may thiếu hụt khoảng 20 – 30% đơn hàng nhưng sang tháng 7 đã khá hơn. Tuy nhiên, so với năm ngoái chỉ đạt 70 - 80%”. Theo ông Việt, dấu hiệu tăng này so với tình hình thực tế chưa thật sự khả quan. Lý do, thị trường Hoa Kỳ và châu Âu vẫn còn suy thoái, lạm phát chưa giảm nên sức mua thấp. “Phải đến cuối năm 2024 mới cân bằng được đơn hàng so với năm 2022” – ông Việt dự đoán.
Cũng thấp thỏm với đơn hàng dệt may, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho hay, đơn hàng của một số doanh nghiệp (DN) trong quý II/2023 nhích nhẹ 10%. Thời gian qua, các DN đều phải chạy ngược chạy xuôi tìm đơn hàng nhỏ, giá thấp miễn là có việc cho công nhân làm.
Nói về xuất khẩu của ngành dệt may, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết, hết tháng 7/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. “Con số trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của DN dệt may. Mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 17% tại thời điểm cuối tháng 6” - ông Giang nói đồng thời nhìn nhận, thời gian qua DN dệt may phải xoay xở rất nhiều. Đơn cử, DN phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, ký nhận những đơn hàng nhỏ lẻ, giá rẻ... Thậm chí, có những đòi hỏi khắt khe của các nhãn hàng, như: giảm giá sản phẩm, thời gian giao hàng nhanh,chất lượng đòi hỏi cao hơn, song DN ngành dệt may vẫn đáp ứng tốt.
Thay đổi chiến lược để vượt khó
Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI TPHCM nhìn nhận, vài năm gần đây là giai đoạn khó khăn và thách thức của cả nền kinh tế nói chung và dệt may nói riêng. Nhiều nền kinh tế lớn là đối tác truyền thống của Việt Nam đang tăng trưởng chậm, sức mua thấp. Đơn giá xuất khẩu dệt may Việt Nam bị định giá thấp hơn so với các năm trước. Trước những khó khăn này, ông Liêm vẫn bày tỏ tin tưởng, ngành dệt may sẽ nỗ lực vượt khó để đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023 là 45 tỷ USD. Theo ông Liêm, để thúc đẩy sản xuất của DN dệt may, thời gian tới cần thiết lập hợp tác, kết nối kinh doanh với các DN trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề về môi trường. Nếu DN không có chiến lược chuyển đổi xanh, chắc chắn khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng đủ yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, phát triển bền vững. DN sẽ mất đơn hàng nếu không đủ các điều kiện trên” - ông Huỳnh Minh Vũ – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM lưu ý.
Hy vọng ngành dệt may Việt Nam vừa đáp ứng được cả chất lượng lẫn số lượng, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị, DN cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng. Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đặc biệt, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị cao như: Thiết kế, đảm bảo nguyên phụ liệu đầu vào – điều này đồng nghĩa với việc tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước, phát triển hệ thống phân phối.
Theo bà Thắng, thương mại quốc tế vẫn biến động, hàng hóa tồn kho tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng nói chung và sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu phát triển đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 68 – 70 tỷ USD cần thay đổi tư duy, có tầm nhìn chiến lược. Theo đó, tập trung phát triển chuỗi dệt may hoàn chỉnh; đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất xanh – sạch, thân thiện với môi trường.
“Đáng lưu ý, trong bối cảnh khó khăn hiện nay DN cần tìm hướng sản xuất kinh doanh phù hợp nhằm đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững” - bà Thắng nói.
Theo bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương, dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn, đạt kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 cả nước. Trong 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid -19 và những biến động địa chính trị trên thế giới nhưng xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng tốt, năm 2021 đạt trên 40,4 tỷ USD; năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD. Mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2023 đạt khoảng 45 tỷ USD. Về chiến lược dài hạn, đến 2030 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 68 – 70 tỷ USD.