Nhà biên kịch Vũ Liêm: Tôi luôn tìm thấy mặt tích cực của cuộc sống
Nhà biên kịch Vũ Liêm là tác giả của nhiều kịch bản phim với đề tài chung là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong cuộc sống mà cụ thể là sự đối đầu quyết liệt giữa lực lượng Công an và tội phạm. Dưới góc độ cảm nhận của cá nhân, nhà biên kịch Vũ Liêm cho rằng, trầm cảm được tạo nên từ nhiều yếu tố nhưng lớn nhất là nỗi sợ. Từ sợ hãi có thể hình thành các cảm giác liên đới như lo âu, thậm chí căm thù…
Thực ra, trong mỗi chúng ta, ai cũng từng đi qua bóng đen của trầm cảm, anh có thể chia sẻ từ trải nghiệm của chính mình?
- Vâng, tôi nghĩ ít nhiều thì ai cũng từng trải qua những nỗi buồn trong cuộc sống do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan mang lại.
Còn để sự buồn bã đó phát triển thành một dạng bệnh lý mà chúng ta vẫn gọi là “trầm cảm” thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điều này có thể chỉ xảy ra trong vài khoảnh khắc, một thời điểm nhất định, hoặc có khi nghiêm trọng hơn kéo dài nhiều năm, thậm chí là cả một đời thì quả thật đó là bi kịch.
Cũng như mọi người, tôi cũng từng gặp phải những chuyện buồn, nhưng để nói là trầm cảm thì là hơi quá. Cá nhân tôi cho rằng với sự vận động liên tục của đời sống, sự tương tác trong các mối quan hệ, rồi biến thiên của xã hội đương đại thì điều này rất khó tránh. Tuy nhiên nếu hiểu được bản chất của nó cũng như thấy rõ được vấn đề mình đang gặp phải, chính là cách giải quyết tốt nhất.
Tôi nhớ một cảnh trong bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng. Hai người đàn ông, một trung niên, một cao niên dập dềnh trên sóng nước ngoài vịnh Hạ Long, họ đều đang gặp vấn đề trong cuộc sống liên quan đến bản năng và trách nhiệm, người già hơn chợt thốt lên “Lương tâm không được thanh thản cộng hưởng với thời gian sẽ hóa thành nỗi buồn”. Tôi thực sự bị ám ảnh bởi câu nói ấy, điều này theo tôi hiểu là sự lưu cữu những thứ từ nội tâm không thể
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sau đại dịch Covid-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng. Theo thống kê, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Vậy làm thế nào để chúng ta đẩy lùi được bóng đen của trầm cảm?
giải tỏa thoát ra ngoài, sẽ hình thành bóng đen vô cùng lớn phủ kín tâm hồn, chi phối hoạt động của chúng ta. Những người làm công tác sáng tạo như chúng tôi cũng hay bị như vậy. Người ta còn gọi là sự bế tắc, mất cảm hứng.
Nhìn lại lịch sử cũng có một số văn nghệ sĩ lớn sau khi cho ra đời những tác phẩm bị xã hội chối bỏ hoặc hết sức thành công được đón nhận trong vinh quang, thì đến một thời điểm nào đó, có thể là ngay lập tức hoặc rất lâu sau đấy, họ đã lựa chọn cách tự sát. Cái bóng đen như tôi nói, với người nghệ sĩ nó vô cùng nguy hiểm khi chúng ta không phân tách được cái tôi vô thức của bản thân và trách nhiệm giá trị nhân văn luôn tồn tại với vai trò là một thực thể sống, một con người.
Anh đã làm thế nào để vượt qua?
- Nếu bế tắc trong sáng tác, tôi sẽ lựa chọn cách tạm thời gác lại rồi đi làm việc khác. Tôi bỏ hẳn khỏi đầu mạch sáng tạo, để một thời gian quay lại như mới, tái khởi động lại hành trình, mọi việc sẽ mạch lạc hơn khi ta đủ tự tin để tạm dừng, đủ can đảm để sắp xếp lại mọi việc. Đó là nói về câu chuyện sáng tác, còn trong đời sống cách tôi đối mặt với nỗi buồn đó là nhìn nhận nó ở một khía cạnh khác, cố gắng tìm ra những mặt tích cực. Câu chuyện “Tái ông thất mã” của người xưa là một minh chứng rõ ràng của điều này.
Giờ đây, anh luôn giữ thái độ ung dung và nhẹ nhàng mỉm cười, vì sao anh làm được vậy?
- Với quan điểm của cá nhân tôi, đừng cố gắng quên đi nỗi buồn hay niềm đau, hãy “AQ” một chút rằng, nếu ta dám mạnh dạn đối diện vượt qua nó, đứng trên nó thì ta thật bản lĩnh và vô cùng đáng tự hào. Hơn nữa mọi điều luôn có nhiều mặt, tôi thích câu triết lý rằng “Trong bóng tối luôn tồn tại khe hở chính vì vậy ánh sáng mới lọt vào được”. Sẽ chẳng có gì là tuyệt đối, chắc chắn với niềm tin vào những điều tốt đẹp thì giá trị tích cực chúng ta sẽ nhìn ra và nhận được.
Trên thực tế, nguyên nhân bên trong của việc con người mắc bệnh trầm cảm là gì? Khi anh tự nhìn từ bên trong mình cũng như tìm hiểu tâm lý các nhân vật trong nhiều bộ phim truyền hình anh đã viết?
- Có một triết gia cũng từng nói rằng, phàm là con người ai cũng có một nỗi sợ nào đó, nếu chế ngự được điều này thì có thể sống tốt và an yên. Trở lại với công việc chuyên môn của tôi như bạn hỏi, thì khi xây dựng lý lịch tính cách nhân vật bao giờ chúng tôi cũng phải tìm ra cái nhân vật muốn, điều nhân vật sợ và thứ nhân vật thực sự cần.
Đó chính là cội rễ để có một nhân vật sinh động với hành trình thuyết phục người xem tìm thấy được sự đồng điệu trong đó. Nhân vật sáng tạo trên phim phần nhiều có nguyên mẫu từ chính các tác giả hoặc người thân thiết mà họ biết ngoài đời sống. Sự hư cấu cho dù có đi xa tới đâu chăng nữa thì cái gốc ban đầu cũng bắt nguồn từ nhân sinh quan, thế giới quan của chủ thể sáng tạo là vậy. Từ những tác phẩm kịch đầu tiên của nhân loại thì rõ ràng “bi kịch” chính là nội dung mà mọi người quan tâm, ai cũng nhìn được bản thân mình trong đó và có nhu cầu tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
Người trầm cảm theo tôi cần nhất là sự kết nối, thấu cảm và sẻ chia, nếu có được đối tượng đồng hành thì họ sẽ có nhiều cơ hội để thoát ra khỏi bóng đen ấy.
Tuy nhiên nếu thay vào đó là việc học cách cho đi trong sự yêu thương và biết ơn mọi thứ mình đang có, thì ánh sáng này sẽ xua đi bóng đen của trầm cảm?
- Đó chính là thứ ánh sáng có khả năng xuyên qua những kẽ hở trong bóng tối để dần dần lan tỏa tiêu diệt hoàn toàn khoảng đen đó. Lạc quan, yêu đời, trân trọng những gì mình đang có thực sự là cứu cánh trên bờ vực của nỗi buồn, niềm đau. Yêu thương nếu được gắn liền với tha thứ, chấp nhận thì sự an yên của tâm hồn chắc chắn sẽ đến.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!