Cần đầu tư xứng đáng cho những kịch bản tốt
Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, để nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững và có đủ nội lực và điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho những kịch bản tốt.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết: Để điện ảnh Việt sống được trong lòng khán giả luôn là nỗi trăn trở của người làm nghề. Một nền điện ảnh phát triển không chỉ có những phim đạt doanh thu cao, có sức hút ngoài rạp chiếu mà phải đa dạng đề tài hơn, đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn. Ví dụ, những bộ phim thời gian qua có doanh thu trăm tỉ, nhưng hầu hết là phim thị trường.
Dư âm gần đây nhất là bộ phim "Nhà bà Nữ", doanh thu 475 tỉ đồng, phim thắng lớn, được đánh giá gần gũi với đời sống. Đánh giá theo thị trường, phim thành công, nắm bắt rất giỏi thị hiếu người xem; ê-kíp sáng tạo hoạt động trên thị trường giải trí có nhiều người hâm mộ kéo theo hiệu ứng lan tỏa tốt, truyền thông, quảng bá chuyên nghiệp.
Nhưng phim này chưa chắc sẽ dẫn hướng phát triển cho điện ảnh, mà có thể xem đây là cú hích, tin tưởng người làm phim Việt sẽ làm ra những phim có doanh thu hàng trăm tỉ đồng và đáp ứng thị hiếu của khán giả. Nhưng từ đây cũng có thể đặt ra kỳ vọng, những người làm phim trăm tỉ khi họ có tiềm lực, nguồn lực sẽ làm những bộ phim lớn hơn, chất lượng nghệ thuật cao hơn. Còn để có những phim mang giá trị nghệ thuật cao thì nhất định phải nhờ vào nguồn lực của Nhà nước. Nếu chỉ đầu tư nhỏ giọt thì không thể có tác phẩm, chứ đừng nói tác phẩm chất lượng cao hoặc tác phẩm lớn.
Tôi muốn nhấn mạnh, để nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững và có đủ nội lực và điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho những kịch bản tốt theo đuổi dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa, nông thôn, miền núi... nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn để trả lời cho câu hỏi: Làm gì và làm sao để có tác phẩm đạt giá trị cao.
Mặt khác, trong diện mạo của điện ảnh Việt Nam hôm nay, sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim thương mại, giải trí hướng tới doanh thu. Khi đã coi điện ảnh là ngành nghệ thuật - kinh tế sáng tạo đặc biệt, hướng tới xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh, khi đã xem tác phẩm điện ảnh là sản phẩm hàng hóa đặc biệt để xuất, nhập khẩu, lan tỏa giá trị toàn cầu, thực sự hòa nhập với điện ảnh thế giới - thì càng nên ghi nhận, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích cực đóng góp sôi động của các nhà làm phim tư nhân.
Dù phim đông khách chưa hẳn là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao để có thể dẫn hướng cho sự phát triển của một nền điện ảnh, nhưng cũng nên trân trọng và có nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của dòng phim này. Cũng phải thừa nhận, nhằm nâng cao tính hiện đại cho điện ảnh Việt Nam, thời gian qua hầu hết các nhà sản xuất đã đầu tư khá mạnh tay cho hình ảnh, kỹ xảo.
Điều đó mang đến cho công chúng những trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn, chân thực, kịch tính nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Giới chuyên môn nhận định, nhiều đơn vị điện ảnh tư nhân được thành lập với 4 hoạt động chính, gồm: Sản xuất nội dung (phim điện ảnh và phim serie); dịch vụ sáng tạo; phát triển tài sản kịch bản (IP) và đầu tư phim Việt, sẽ mang tới sự vận động tích cực cho điện ảnh, tạo đà cho bước tiến mới khởi sắc và mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên khuyến khích dòng phim tác giả của những nhà làm phim độc lập. Với khám phá, tìm tòi, khát khao thể hiện ý tưởng, nhằm gửi gắm những thông điệp mang đậm cá tính riêng và nhắm tới các Liên hoan phim quốc tế và các thứ hạng giải thưởng từ các liên hoan phim này. Nhà nước cũng cần có sự phát hiện, dẫn dắt, nuôi dưỡng, quý trọng tự do sáng tạo, khuyến khích nâng đỡ những tìm tòi mới mẻ lành mạnh của những nghệ sĩ trẻ vốn sẵn tràn đầy khát vọng cùng bao năng lượng tích cực phát huy được tài năng và khát vọng dấn thân.