Thú vị với tranh gạo

NGÔ THỤC MIÊN 04/08/2023 08:05

Được tận mắt chứng kiến những đôi bàn tay khéo léo gắn từng hạt gạo để làm tranh, hay được trực tiếp dự phần vào công việc đó, càng thấy sự sáng tạo của con người là vô cùng. Trong công việc giản dị của những con người cần cù có phần muốn tôn vinh những hạt gạo - hạt ngọc của quê hương.

Chị Nguyễn Thị Vân ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hướng dẫn các em nhỏ làm tranh gạo.

Dày công sáng tạo

Một ngày hè nóng bức, bước vào ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Vân ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tôi đã được “hạ nhiệt”. Không chỉ bởi tình cảm của vợ chồng chị dành cho khách, mà còn bởi những bức tranh gạo đẹp tuyệt, và cách anh chị hướng dẫn những em học sinh cùng làm tranh gạo. Chị Vân bảo: “Các cháu hào hứng lắm. Tôi không nghĩ là các cháu lại thích đến vậy. Được học làm tranh gạo, tôi nghĩ đó cũng là một trải nghiệm thân thương”.

Chị Vân là giáo viên mầm non, dù không qua lớp hội họa chính quy nào, nhưng lại khéo tay, nên rất thích những loại tranh làm từ lá cây, hoa, vỏ trứng. Chị thường phải làm đồ thủ công để dạy học sinh, nên thường chủ động tìm cách sáng tạo để giúp các em hào hứng đến lớp.

Rồi một ngày, chị học được cách làm tranh gạo. Năm 2015, chị Vân thực hiện bức thư pháp chữ “Tâm”, chất liệu gạo rang, tặng cho Trường Mầm non Phù Lỗ, nơi chị công tác để đấu giá lấy kinh phí làm từ thiện. Bức tranh chữ được nhiều người yêu thích đã thôi thúc niềm say mê sáng tạo trong chị. “Tôi đã làm thêm nhiều sản phẩm tặng người thân và mọi người rất thích. Cũng bởi hạt gạo gắn bó với đời sống hằng ngày của người dân ta. Sản phẩm làm ra lại thân thiện với môi trường, gợi nhớ ký ức và thể hiện tình yêu với cây lúa, với quê hương”, chị Vân bày tỏ.

Nhờ người thân động viên, đặc biệt là anh Nguyễn Đắc Quân - chồng chị đã giúp chị Vân hào hứng hơn trong sáng tạo, làm ra những sản phẩm có giá trị thương mại. Năm 2016, chị Vân cùng chồng mở xưởng sản xuất và chính thức đưa sản phẩm tranh gạo ra thị trường. Chị Vân cho biết, gạo để làm tranh là loại gạo lài sữa có nguồn gốc từ các tỉnh phía nam, hạt thon, dài lại chắc. Để tạo màu sắc cho tranh thì tùy vào ý muốn, chị rang gạo với thời gian nhiều hay ít. Một mẻ gạo rang nhanh nhất là 30 phút, sẽ cho màu trắng ngả vàng; để có màu nâu đen, gạo phải được rang từ 5 đến 6 giờ. “Rang gạo, tạo sắc độ cho gạo là công việc khó nhất. Tôi phải mày mò, đúc rút kinh nghiệm qua từng mẻ gạo rang, tôi đã tạo ra được 42 màu sắc khác nhau”, chị Vân nhấn mạnh.

Bình thường để làm tranh, chị và những người thợ trong xưởng vẽ phác thảo nội dung trên tấm gỗ rồi bôi keo sữa và xếp đặt các hạt gạo rang lên theo ý tưởng. Tùy chủ đề, bố cục mà người “họa sĩ” chọn tông màu rồi tỉ mỉ đặt từng hạt gạo vào bức tranh sao cho có hồn, chiều sâu, thể hiện được ý tưởng. Sau đó, bức tranh được phơi nắng, sơn bóng và phủ lớp chống mối mọt để tăng tuổi thọ rồi đóng khung. Chị Vân cho biết thêm: “Để tranh gạo không bị ẩm mốc, ngoài việc rang khô, gạo còn được dán trên tấm gỗ dày 1cm có tác dụng hút ẩm. Tôi cũng tư vấn cho khách hàng nên treo ở vị trí khô, thoáng trong nhà để bảo đảm độ bền của tranh”.

Mấy năm trước, chị Vân đã đưa 4 sản phẩm tranh gạo dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội năm 2021 và được đánh giá cao. Chị Vân mong muốn, qua Chương trình OCOP, cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ để nhận diện thương hiệu sản phẩm, bảo hộ độc quyền và quảng bá đến du khách, người tiêu dùng trên cả nước.

Cũng yêu hạt gạo thân thương, chỉ một lần nhìn thấy tranh gạo trên mạng mà chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đã quyết tâm theo đuổi công việc tỉ mỉ mà cũng dày công, là tự làm những bức tranh từ hạt gạo. Chị Phượng chia sẻ: “Nhìn thấy tranh gạo tôi ấn tượng ngay. Rồi tôi tìm hiểu thì thấy đó là cách thể hiện tình yêu quê hương, thiên nhiên. Tranh gạo thể hiện sự mới lạ, độc đáo được làm từ nguyên liệu sẵn có”. Chị đã mày mò tự học, mày mò cách làm. Sau nhiều lần thất bại, bức tranh gạo đầu tay mang chủ đề “Quê hương” được làm trên bìa giấy cứng, lồng trong khung kính đã hình thành. Ngắm tác phẩm đầu tay mà chị mừng đến rơi nước mắt. Từ đó, chị nghĩ mình đã có thêm nghề mới để kiếm tiền nuôi con.

Chị Phượng tập luyện, đúc kết kinh nghiệm thật nhiều để các bức tranh ngày càng mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, tạo điểm nhấn, chiếm được lòng yêu thích của khách hàng. Để tạo tranh, người làm tranh phải vẽ phác thảo nội dung trên tấm gỗ rồi bôi keo và xếp đặt các hạt gạo rang lên theo ý tưởng. Tùy chủ đề sẽ chọn tông màu rồi tỉ mỉ đặt từng hạt gạo vào bức tranh sao cho có hồn, có chiều sâu, thể hiện được ý tưởng của tác giả.

Cũng còn rất trẻ và mong muốn quảng bá “hạt ngọc” quê hương miền gạo trắng nước trong Cần Thơ, anh Khưu Tấn Bửu - Bí thư Chi đoàn khu vực 1, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều - Cần Thơ) đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sáng tạo nên những bức tranh gạo đầy màu sắc, thổi hồn và nâng tầm giá trị cho những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt. Tháng 11/2020, UBND TP Cần Thơ đã chứng nhận sản phẩm tranh gạo của Bửu xếp hạng 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng bên bức tranh gạo phong cảnh quê hương Kiên Giang.

Muốn làm những điều có ích

Với Khưu Tấn Bửu, được làm tranh gạo là niềm hạnh phúc. Đó cũng là cách giúp anh thực hiện những điều có ích, lan tỏa giá trị sống tích cực, truyền lan tình yêu với hạt gạo, cây lúa, với quê hương xứ sở. Năm 14 tuổi anh đã tự gắn các hạt gạo thành những bức tranh nhỏ để tặng người thân và bè bạn. Bửu bảo rằng, muốn tranh đẹp thì phải tạo màu sắc đa dạng cho gạo để khi ghép vào, bức tranh thể hiện được cái hồn của nhân vật, phong cảnh, tạo ấn tượng trong thị giác của người xem. Năm 2016, Bửu quyết định bắt tay khởi nghiệp làm tranh gạo từ số vốn gần 100 triệu đồng.

Năm 2017 anh đã thành công trong công đoạn canh lửa cho ra 32 cấp độ màu gạo rang. Người dân có thể có nhiều cách sáng tạo khác nhau để giúp giá trị từ hạt gạo Việt lan tỏa hơn trong đời sống. Đó cũng là cách mà Khưu Tấn Bửu đã làm.

Từ năm 2018, Bửu nghiên cứu đưa hạt gạo lên túi xách, móc khóa để khách nước ngoài có những sản phẩm nhỏ, gọn có thể xách tay đi khắp nơi, đồng thời cũng quảng bá hình ảnh quê hương Cần Thơ.

Khác với những thể loại tranh vẽ, nguyên liệu để làm tranh gạo không được nhuộm hay tô vẽ. Màu sắc ấy được tạo ra khi đem rang hạt gạo. Những người làm tranh gạo đã nghiên cứu thêm cách tạo hình cũng như tạo ra nhiều màu sắc chỉ bằng kỹ thuật rang gạo.

Hiện nay, mỗi tháng, xưởng tranh gạo của chị Nguyễn Thị Vân sản xuất từ 170 - 200 bức tranh lớn - nhỏ, chủ yếu về đề tài phong cảnh quê hương như: Cánh đồng, cây đa, giếng nước hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng (Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột); tranh chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Tâm, Đức... Có những khách hàng còn đặt chị Vân “vẽ” tranh gạo chân dung người thân để tặng dịp sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới...

Thời gian tới, chị Vân muốn mở rộng một số gian trưng bày sản phẩm ở Hà Nội để khách hàng tiện tiếp cận với tranh gạo nhiều hơn.

Ngoài thị trường, đã có các loại tranh chất liệu như tranh ghép gỗ, sơn dầu, nhiều người cũng thể hiện những chất liệu mới như đá quý, vỏ sò, ốc… Còn những “họa sĩ” tranh gạo lại sáng tạo tranh bằng hạt gạo, vì nước mình là nước nông nghiệp, có sản lượng gạo xuất khẩu vào hàng nhất, nhì thế giới. Việc ứng dụng gạo làm tranh vừa tôn vinh sản phẩm nông nghiệp của đất nước, lại vừa là một sự sáng tạo nghệ thuật.

Ngoài kiên trì tạo ra những bức tranh có hồn, những người làm tranh gạo còn sáng tạo thêm nhiều đề tài khác nhau, mẫu mã hấp dẫn, gần gũi và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, không ít bạn trẻ đã tận dụng sự tiện lợi của công nghệ, qua kênh Facebook, YouTube để giới thiệu sản phẩm tranh gạo. Làm tranh gạo không quá khó, nhưng để có được một bức tranh gạo đẹp, có hồn thì ngoài sự tỉ mỉ trong từng công đoạn đòi hỏi người nghệ nhân phải dồn hết đam mê và tình cảm vào tác phẩm.

NGÔ THỤC MIÊN