Hà Nội vươn mình
Ngày 1/8 là tròn 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008 - 1/8/2023). Sau 15 năm, Hà Nội đã có sự thay đổi mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Đặc biệt, ở lĩnh vực văn hóa, Hà Nội đã có sự hội nhập mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính trong lĩnh vực văn hóa cũng còn tồn tại một số hạn chế cần nhìn nhận, khắc phục.
Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến - một người gắn bó sâu đậm với Hà Nội.
PV: Thưa ông, là người luôn quan tâm tới Hà Nội, vậy ông nhìn nhận định như thế nào về việc khai thác, quy hoạch, quản lý sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính?
Nhà nghiên cứu NGUYỄN NGỌC TIẾN: Không phải năm 2008 người ta mới sáp nhập Hà Nội, mà việc này từ năm 1831 vua Minh Mạng đã sáp nhập Hà Nội rồi. Đến thời Pháp, người Pháp cũng đã mở rộng Hà Nội. Rồi sau năm 1954 Hà Nội lại sáp nhập. Trong lịch sử, việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội đã được thực hiện nhiều lần, vậy nên dấu mốc năm 2008 chỉ câu chuyện tiếp theo trong lịch sử. Vấn đề là mục đích của việc mở rộng để làm gì.
Vâng, nhưng chúng tôi chỉ muốn tập trung vào câu chuyện Hà Nội mở rộng từ năm 2008 đến nay…
- Thực ra việc mở rộng địa giới hồi năm 2008, bây giờ nhìn lại, chúng ta đã thấy những điểm mạnh. Một trong những điều quan trọng nhất để phát triển một đô thị hay một quốc gia là hệ thống hạ tầng. Rõ ràng, giao thông Hà Nội sau 15 năm đã có những bứt phá. Ví dụ, việc hình thành trục đại lộ Thăng Long, bên cạnh đó hệ thống giao thông trục ngang, trục dọc ở Sơn Tây, Ba Vì; hệ thống cầu nối với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc rất tốt. Bên này sông Hồng có những khu đô thị hiện đại…
Về phía Tây, du lịch Ba Vì trở thành điểm đến đông khách, các làng xung quanh, vùng đất xung quanh cũng trở nên đông đúc vào ngày cuối tuần. Đó là nơi nghỉ rất gần với người dân Hà Nội. Rõ ràng du lịch thúc đẩy vùng đất này phát triển, nhưng cái quan trọng nhất ở đó là chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa với cơ sở chế biến sữa đẩy mạnh kinh tế phát triển. Phía Mê Linh, Sóc Sơn trở thành khu nghỉ dưỡng, trong tương lai gần người ra sẽ xây dựng đô thị thông minh.
Như vậy khi mở rộng địa giới hành chính, đã có những thành tựu bước đầu, và nhiều dự án lớn được thực hiện. 15 năm người ta đã nhìn thấy được thành quả của sự phát triển. Muốn phát triển phải có nhà đầu tư rót vốn vào Hà Nội để Hà Nội có những đột phá. Nếu quản lý tốt quy hoạch, xóa bỏ bất cập thì tôi tin Hà Nội sẽ vươn xa hơn nữa.
Thế còn những bất cập trong 15 năm qua, trong góc nhìn của ông?
- Tôi muốn lưu ý đến câu chuyện quản lý chồng chéo. Có những khu có thể làm du lịch rất tốt như rừng Quốc gia Ba Vì, nhưng rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, những nhà đầu tư muốn vào để phát triển phải xin phép rất mất thời gian. Thực tế có những doanh nghiệp đầu tư một nửa và bỏ giữa chừng vì Bộ không cấp phép. Thứ hai là việc quản lý đất trước đây do các bộ, ngành Trung ương quản lý không bàn giao cho Hà Nội thì Hà Nội không thể dùng đất đó để phát triển.
Sự thanh lịch, tế nhị, tao nhã của người Hà Nội có từ lâu rồi và được ghi chép trong sách của người phương Tây về cách ứng xử, ăn mặc, nghệ thuật dân gian đường phố… Nó là thông tin rất nhỏ lẻ, nhưng khi tìm hiểu tôi thấy rõ ràng có sự ánh lên. Cho tới khi người Pháp vào Hà Nội thì cái thanh lịch tao nhã cộng với sự văn minh của người Pháp, hai thứ đó cộng lại tạo ra lối sống thanh lịch, văn minh. Bởi thế sự thanh lịch là có thật chứ không phải người ta “bịa ra” để cố gắng nâng Hà Nội lên.
Về giao thông công cộng ở Hà Nội, tôi cho rằng hệ thống xe bus tương đối tốt, từ nội thành đến ngoại thành đã kết nối được với nhau, thế nhưng kết nối giữa xe bus và đường sắt trên cao còn hạn chế.
Bên cạnh đó, vẫn còn rất thiếu các phương tiện công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao nối từ trung tâm này đến trung tâm khác. Rất cần thiết mở rộng hệ thống giao thông công cộng từ hồ Tây kéo lên Ba Vì, bởi dọc trục đó rất đông dân cư.
Rồi đề xuất xây dựng Hà Nội có rừng trong phố, ý tưởng đưa ra tốt, nhưng thực hiện như thế nào. Như quy hoạch hai bờ sông Hồng người ta đã tính tới xây dựng khu đô thị xanh nhưng đó cũng chỉ là mong muốn, còn thực hiện ra sao mới là vấn đề. Nhưng chắc chắn một đô thị chục triệu dân thì không thể không tính tới chuyện cây xanh, đó là điều chắc chắn.
Vì cây xanh là nơi cung cấp ôxy cho thành phố. Và giờ Hà Nội chỉ có 2 nơi cung cấp ôxy cho thành phố là khu vực Ba Vì và phía Bắc Sóc Sơn. Nếu không có điểm cung cấp ôxy, thành phố sẽ ngạt thở. Cho nên việc phải có các khoảng đô thị xanh, khu vực trồng cây xanh, công viên xanh là vô cùng cần thiết và dứt khoát phải triển khai nhanh nếu không muốn đô thị Hà Nội "chết ngạt".
Vậy giải pháp đưa ra là gì, thưa ông?
- Khi chúng ta đã thực hiện sáp nhập thì phải có giải pháp giãn mật độ dân nội đô ra ngoại thành. Không nên để mật độ dân cư trong nội thành quá đông đúc như hiện nay gây nên ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tốn kém về tiền bạc, thời gian.
Giãn dân cộng giảm mật độ. Hiện mật độ dân cư không chỉ ở phố cổ mà ở chính các khu đô thị, thì ta phải tính đến mật độ các tòa nhà chung cư mới như thế nào cho hợp lý, chứ không ta sẽ rơi vào tình trạng giải tỏa được mật độ phố cổ thì những nơi khác mật độ dân cư lại phình ra.
Tóm lại, khi đã sáp nhập thì Hà Nội phải giải quyết được chuyện giảm mật độ dân số, giảm tập trung, kết nối hạ tầng giữa nội đô và khu vực ngoại thành. Đặc biệt là với khu vực tỉnh Hà Tây cũ phải tạo ra được không gian xanh ở những vùng nối giữa nội đô và vùng sáp nhập, như vậy sẽ hài hòa giữa cái cũ và cái mới, đồng thời tạo ra cảnh quan kiến trúc.
Nếu khi sáp nhập không tận dụng lợi thế rất rộng, rừng, núi, đồi, sông của tỉnh Hà Tây cũ thì chưa đạt được mục đích sáp nhập. Quan trọng nhất trước mắt vẫn là hạ tầng giao thông, rồi đến giao thông công cộng. Hà Nội làm được nhiều việc nhưng phải làm thêm trục ngang, trục dọc, hiện ta đã làm được vành đai 4. Và quan trọng nữa là ta phải triển khai được dự án đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng… Tôi mong Luật Thủ đô sớm được thông qua để Hà Nội phát triển nhanh hơn.
Thưa ông, Hà Nội không chỉ là nơi ông sinh ra mà như ông từng chia sẻ, nơi này còn nuôi dưỡng ông bằng cái nôi văn hóa. Tới nay ông đã viết hàng chục đầu sách về Hà Nội, qua tìm hiểu lịch sử, tư liệu và những trải nghiệm, cảm nhận của ông về Hà Nội như thế nào?
- Hà Nội có cả chiều dài lịch sử từ thời nhà Lý. Lý Công Uẩn dời Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010 và kéo dài cho tới ngày hôm nay. Trải qua những giai đoạn lịch sử, chiến tranh, xây dựng các triều đại phong kiến, người Pháp xâm lược… Vì thế chẳng ai có thể hiểu hết được Hà Nội, nhưng có điều chắc chắn Hà Nội là thành phố có nhiều chuyện nhất, vì nó là kinh đô, và nó là Thủ đô.
Suốt quá trình từ năm 1010 cho đến ngày hôm nay gần như chỉ ngắt quãng thời Nguyễn, còn lại Hà Nội là kinh đô, thủ đô, vì thế nó ẩn chứa nhiều câu chuyện lịch sử, bên cạnh đó nhiều công trình văn hóa được xây dựng trên đất này. Tôi chỉ hiểu được những sự kiện chính diễn ra trong tiến trình lịch sử của Hà Nội. Đó là những câu chuyện xung quanh đời sống xã hội. Có những thứ làm thay đổi quan niệm trong cuộc sống của con người trên đất này.
Đã có nhiều thế hệ nhà văn, nhà nghiên cứu viết sách về Thăng Long - Hà Nội. Ông phải làm thế nào để tránh sự lặp lại? Và khi viết về Hà Nội, ông quan tâm tới điều gì nhất?
- Đúng là không một tỉnh thành ở Việt Nam nào có nhiều đầu sách như Hà Nội. Ngay từ xưa người ta đã viết về Thăng Long, đến thế kỷ 16-17, người phương Tây đi du lịch khám phá, truyền giáo, buôn bán đã đến Thăng Long, thói quen của người phương Tây là ghi chép lại, rồi xuất bản. Đó là những tài liệu tốt cho những người nghiên cứu về Hà Nội, vì ở đó rất nhiều thông tin, câu chuyện giai đoạn đó sử sách chép chưa hết về những vấn đề đời sống con người, ẩm thực… hoặc có cũng chỉ là vài nét chấm phá về một phần nhỏ của Hà Nội.
Nhưng nguồn sử liệu cũng chưa đủ cho tôi viết sách, trong trung tâm lưu trữ quốc gia còn có báo và các tư liệu. Về mặt lưu giữ tư liệu người Pháp đã làm rất tốt, thành ra khi viết tôi vào thư viện đọc lại các sách, công, báo, tài liệu trước năm 1954. Ở đó có những thứ mà sử không chép. Những bài viết riêng lẻ không ai đề cập đến thì đó là nguồn tư liệu tốt để tôi chuẩn bị viết.
Có rất nhiều người viết về Hà Nội, nhưng cái mà độc giả quan tâm nhất lại chính là vấn đề văn hóa. Điều đó rất xứng đáng vì Hà Nội là Thủ đô có nền văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, di sản vật thể, phi vật thể. Không tỉnh thành nào có thể có một nền văn hóa dày như Hà Nội.
Khi tôi đọc, và thấy tiền nhân chưa viết nhiều về cuộc sống thị dân. Quan niệm của tôi thị dân chiếm đa số trong một đô thị. Thị dân nó là linh hồn của một đô thị, vì thế tôi tập trung khai thác mảng cuộc sống phong phú của thị dân. Ví dụ âm nhạc, giao thông, ẩm thực, thời trang…
Khi viết cuốn đầu tiên “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” độc giả đã rất thích. Sau khi in ra cuốn sách đã tái bản nhiều lần. Sau đó tôi viết cuốn “Đi ngang Hà Nội, rồi “Đi dọc Hà Nội”, năm 2012 tôi được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Cùng năm, 2 cuốn sách được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng.
Sau đó tôi viết tiếp “Đi xuyên Hà Nội”, “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm”, “Hà Nội còn một chút này”… Tôi khai thác tất cả những gì mà các người ta ít động bút, hoặc người ta khai thác ít thì tôi khai thác sâu hơn và tập trung vào đời sống đô thị, từ đó để cho ra một Hà Nội tương đối rõ ràng trong ngày hôm nay.
Dù trải qua nhiều biến động, sự thay đổi, nhưng cái “chất” thanh lịch vẫn luôn là hồn cốt của Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chất thanh lịch Hà Nội đã mai một, ông có thấy như vậy?
- Thực ra quan trọng nhất là lối sống và ứng xử. Nhiều người cho đến bây giờ vẫn nói Hà Nội không có vẻ thanh lịch, nhưng thực ra nói vậy cũng hơi khắt khe và phủ nhận. Bởi sự thanh lịch, tế nhị, tao nhã của người Hà Nội có từ lâu rồi và được ghi chép trong sách của người phương Tây về cách ứng xử, ăn mặc, nghệ thuật dân gian đường phố… Nó là thông tin rất nhỏ lẻ, nhưng khi tìm hiểu tôi thấy rõ ràng có sự ánh lên.
Cho tới khi người Pháp vào Hà Nội thì cái thanh lịch tao nhã cộng với sự văn minh của người Pháp, hai thứ đó cộng lại tạo ra lối sống thanh lịch, văn minh. Bởi thế, sự thanh lịch là điều có thật chứ không phải người ta “bịa ra” để cố gắng nâng Hà Nội lên. Nhưng bắt đầu có sự thay đổi sau năm 1954 về lối sống cũng như cung cách ứng xử của người Hà Nội, nhất là do quan niệm thay đổi dẫn đến những việc làm cũng thay đổi theo dẫn đến văn minh thanh lịch bị rơi rụng đi, nhất là thời kỳ bao cấp vì cuộc sống quá khó khăn thiếu thốn, xã hội bắt đầu xuất hiện những điều xấu, người ta gọi là lối sống xuống cấp chứ không phải nét thanh lịch mất đi.
Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, cái thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội vẫn còn, nó như dòng hải lưu chảy trên một lớp băng. Những hiện tượng trong xã hội như bún mắng, cháo chửi không phải là phổ biến mà là cá biệt, những sự việc đó khiến người ta không hài lòng nhưng khó tránh được.
Dù vậy, nhiều năm qua Hà Nội vẫn chú trọng có xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch?
- Tôi nghĩ giữa chương trình và thực tế vênh nhau, chủ yếu trên lý thuyết nên không đi vào cuộc sống. Ví như quy định về ứng xử nơi công cộng… chỉ là những thứ giáo điều, có quy định, quyết định nhưng không có chế tài thì khó mà thay đổi được.
Trong khi đó quan trọng nhất để thay đổi suy nghĩ, nếp sống, cách ứng xử phải là giáo dục bằng luật pháp. Giáo dục ở nhà trường, cộng đồng, gia đình vẫn chưa được như mong muốn. Nó có nguyên nhân, như trước đây ai cũng biết tham gia giao thông uống rượu bia là rất nguy hiểm, nhưng chế tài chưa nghiêm, giờ mức phạt cao, có tính răn đe, đánh vào túi tiền, rõ ràng câu chuyện khác, các quán nhậu vắng hẳn, rõ ràng giáo dục bằng luật pháp là cách tốt nhất để thay đổi lối sống và ứng xử.
Bây giờ chỉ cần thực hiện nghiêm tất cả những luật đã có, đưa luật vào đời sống thì chắc chắn sẽ trở thành cái gì đó tương đối ổn. Còn nếu không thực hiện nghiêm luật trong đời sống thì việc thay đổi lối sống ứng xử còn khó khăn hơn. Và còn lâu mới tiến được đến văn minh.
Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức trong hội nhập văn hóa làm dấy lên không ít lo ngại. Vậy cần làm gì để giữ được bản sắc Hà Nội?
- Thực ra theo tôi đó là lo lắng... thừa, vì Hà Nội hội nhập từ lâu rồi. Ngay từ khi người Pháp vào Hà Nội cuối thế kỷ 19 (1858), cho đến năm 1954, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã hội nhập kinh tế, văn hóa. Về kinh tế xuất khẩu hàng hóa đi khắp nơi trên thế giới. Văn hóa phương Tây cũng hội nhập: Kịch tây, âm nhạc, ẩm thực, thời trang.
Giờ người ta vẫn có câu nói "nhà tây, quần tây, cơm tây…" thì có nghĩa văn hóa phương Tây đã du nhập vào chúng ta. Đến nửa đầu thế kỷ 20, Hà Nội nói riêng và một số thành phố lớn, bên cạnh văn hóa phương Tây thì văn hóa truyền thống vẫn phát triển. Một đứa trẻ học trung học phổ thông có thể thích Kpop nhưng về nhà vẫn lễ phép với ông bà, bố mẹ. Ngày xưa chúng tôi cũng thích những bài hát, âm nhạc phương Tây, tiếp nhận tinh hoa của phương Tây. Một xã hội cởi mở như ngày hôm nay phải thấy cái tồn tại chính, quan điểm xuyên suốt, còn các hiện tượng cá biệt ta cũng không tránh được. Để khắc chế, công cụ hiện nay ngoài luật pháp còn có dư luận xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!