Phát triển phố đi bộ: Đừng chạy theo ‘phong trào’

NGỌC MAI 30/07/2023 07:46

Không ít người cho rằng việc mở ra phố đi bộ đang trở thành “phong trào” tại nhiều tỉnh, thành phố. Ngay tại Hà Nội, trừ khu vực Hồ Gươm, còn lại hầu hết đều không thu hút người dân.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội) sau một thời gian hoạt động đến nay chưa thu hút được người dân và du khách.

Vào năm 2016, Hà Nội chính thức khai trương tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm), và rồi được mở rộng thêm ra các tuyến phố cổ xung quanh. Thành công ngoài mong đợi của nó là chất kích thích để một số quận cũng tính tới mở phố đi bộ. Sau này có các tuyến phố đi bộ nữa như: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (không gian nằm sát đầm sen, Công viên nước Hồ Tây, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) hoạt động từ tháng 5/2018. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) mở cửa dịp 30/4 - 1/5/2022. Cuối tháng 12/2022 Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cũng mở ra. Cùng dịp này thì phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận thuộc quận Hai Bà Trưng mở cửa khá rầm rộ.

Chưa hết, theo kế hoạch, ngay trong năm nay quận Đống Đa sẽ lập đề án thực hiện tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết và xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2024, quận dự định mở tiếp tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông.

Còn với quận Ba Đình, sau phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã cũng dự định triển khai đề án khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh. Diện tích khoảng 12 ha, bao gồm cả 36.000 m2 mặt nước hồ Ngọc Khánh, vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh hơn 3.800 m2.

Còn tại TPHCM, đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm có tới 930 ha, trong đó chú trọng quận 1 mở thêm các tuyến phố đi bộ thuộc các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão. Được tổ chức theo 3 phương án. Phương án 1: Lập mạng lưới phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho quận 1 với nhiều tuyến đường ở trung tâm nhưng chỉ cấm xe trên một số tuyến đường. Phương án 2: Phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách, ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên 2 tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần. Phương án 3: Phố đi bộ 24/7 trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các tuyến đường liên kết dành riêng cho người đi bộ.

Tuy nhiên, tới nay có lẽ chỉ có 2 tuyến đường là Nguyễn Huệ và Bùi Viện là đông vui về đêm.

Trong nhịp sống đô thị hiện nay, việc có những tuyến phố đi bộ, không gian phố đi bộ là cần thiết. Nhưng nếu vì “phong trào” mà mở ra thì chưa chắc đã hay. Nhất là nó lại dày đặc, không có gì hấp dẫn thì không nên, có khi còn lãng phí, bất tiện cho người dân trong khu vực cũng như cản trở giao thông.

Trong khu vực phố đi bộ, cũng chẳng có gì hấp dẫn, chủ yếu vẫn là nhà mặt phố mở cửa hàng kinh doanh như cũ. Các món ăn đường phố cũng quanh đi quẩn lại, hương vị lại nhạt nhòa. Những hoạt động giải trí văn hóa (như biểu diễn nghệ thuật của các nhóm nhỏ) có “bói” cũng khó ra.

Nói như KTS Ngô Viết Nam Sơn thì khi quy hoạch phố đi bộ cần tính toán lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Nếu giải quyết được nỗi trăn trở của người dân và bài toán ngân sách thì việc mở rộng không gian đi bộ mới hiệu quả.

Còn KTS Trần Vĩnh Nam (làm việc tại Singapore) cho rằng, khi hình thành phố đi bộ, chính quyền địa phương cần kết hợp việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng hoặc lựa chọn gần các trạm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao. Người dân và khách du lịch đến đây sẽ phải để phương tiện cách xa chừng 1-2 km và đi bộ vào địa điểm vui chơi. Không gian đi bộ cũng phải có nhiều gam màu đặc sắc, trong đó có ẩm thực và mua sắm chứ không đơn thuần là nơi ngắm cảnh, đi lại. Và rất quan trọng là du khách thấy thoải mái còn người dân trong khu vực đó phải có lợi khi phát triển kinh tế.

NGỌC MAI