Phim Việt trở lại ‘đường đua’
Sau một mùa hè “nhường sân” cho các bộ phim ngoại tung hoành trên các rạp chiếu toàn quốc, từ nay đến cuối năm, các nhà sản xuất phim Việt sẽ lần lượt tung ra một số bộ phim điện ảnh được kỳ vọng là tươi mới và hấp dẫn.
Nhiều phim “nhập làn”
Sau thành công về mặt doanh thu của bộ phim "Nhà bà Nữ" (475 tỷ đồng, đạo diễn Trấn Thành), thị trường phim Việt chiếu rạp có vẻ vắng lặng. Suốt mấy tháng qua, các rạp phim trên toàn quốc chứng kiến cảnh khán giả Việt xếp hàng mua vé vào xem phim bom tấn Hollywood. Có thể thấy, khoảng trống phim Việt chiếu rạp là có thật, và khán giả vẫn sẵn sàng rút “hầu bao” mua vé để xem các bộ phim nước ngoài. Vì thế, cần có chiến lược thúc đẩy điện ảnh Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, đáp ứng nhu cầu khán giả ở nhiều độ tuổi.
Theo dõi thị trường phim chiếu rạp, thấy rằng “Fanti” là dự án nội địa đầu tiên nhập vào “làn đua”. Cụ thể, phim vừa khởi chiếu toàn quốc từ 28/7, kể về một hot girl trên mạng xã hội tìm đường dấn thân vào showbiz. Song, cuộc sống của cô từ đó cũng bị đảo lộn hoàn toàn. Phim thuộc thể loại giật gân - tâm lý, do Andy Nguyễn đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên trẻ đẹp như: Thảo Tâm, Hồ Thu Anh, Võ Điền Gia Huy, Công Dương. Giữa dàn diễn viên trẻ tuổi, NSND Lê Khanh là tên tuổi kỳ cựu hiếm hoi góp mặt trong “Fanti”.
Trong tháng 8, có 2 phim Việt ra rạp là “Bên trong vỏ kén vàng” và “Kẻ ẩn danh”. Theo các chuyên gia theo dõi điện ảnh, “Bên trong vỏ kén vàng” có thể sẽ gây tò mò với nhiều khán giả, vì đây là phim Việt duy nhất đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes 2023. Tác phẩm thuộc dòng tâm lý nặng đô, kén khán giả với thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ đã giúp đạo diễn Phạm Thiên Ân vượt nhiều đối thủ nặng ký, giành giải Caméra d’or (Camera Vàng).
Còn “Kẻ ẩn danh” lại thuộc thể loại hành động, quy tụ các diễn viên nổi tiếng như Kiều Minh Tuấn, Mạc Văn Khoa, Quốc Trường. Chuyện phim kể về số phận một người đàn ông từng là xã hội đen đang lẩn trốn giang hồ. Ngoài dàn sao, các phân cảnh hành động được xem là yếu tố then chốt thu hút khán giả ra rạp.
Sang tháng 9, hiện chỉ có duy nhất một phim dự kiến ra rạp là “Live: Phát trực tiếp” do Khương Ngọc đạo diễn. Tuy nhiên, Khương Ngọc chưa phải là tên tuổi quá thu hút. Hơn nữa, dàn diễn viên như Ngọc Phước, Ngân 98 cũng không ấn tượng nên thành bại của phim vẫn là một ẩn số.
Cuộc “so găng” kỳ thú
Từ những dữ liệu điện ảnh đã được các đạo diễn và nhà sản xuất công bố, có thể nhận thấy, các bộ phim ra mắt trong tháng 7, 8 và 9 năm nay bước vào “làn đua” phim chiếu rạp để giải "cơn khát" của khán giả mê phim ảnh. Bên cạnh đó, những “Fanti” hay “Live: Phát trực tiếp” thuộc dòng giật gân - tâm lý, khai thác góc khuất của mạng xã hội để nhắm đến những đối tượng khán giả trẻ.
Phải sang tháng 10 và 11, thị trường phim Việt chiếu rạp mới thực sự vào cuộc “so găng” để thu hút khán giả. Khi đó, hai bộ phim cùng chuyển thể từ tác phẩm văn học là “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ cùng ra rạp. Hai bộ phim này được giới quan sát điện ảnh đánh giá là hai chú “ngựa chiến” của mùa phim cuối năm nay.
Cụ thể, bộ phim “Đất rừng phương Nam” có lịch ra rạp vào ngày 20/10 tới. Theo giới phân tích, khi thực hiện bộ phim này đạo diễn Quang Dũng đứng trước khá nhiều áp lực. Trong đó, ba áp lực lớn đó là tác phẩm văn học “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi đã được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Thứ hai, trước đó, năm 1997, tác phẩm văn học này đã được dựng thành phim truyền hình dài 11 tập, được khán giả yêu thích. Và thứ ba, bối cảnh sông nước miền Tây hiện nay đã có quá nhiều thay đổi, tìm được những bối cảnh rộng lớn và đậm đặc chất Nam bộ như hồi đầu thế kỷ 19 là điều quá khó.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, êkíp làm phim “Đất rừng phương Nam” đã đóng máy, và bắt đầu giai đoạn hậu kỳ. Cho thấy, những khó khăn trên đã được nhà sản xuất, đạo diễn chấp nhận và “hóa giải”. Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, đạo diễn Quang Dũng cũng có một số lợi thế. Anh là con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Anh cũng là dân miền Tây (nguyên quán An Giang). Theo vị đạo diễn này, khi làm phim “Đất rừng phương Nam” rất áp lực, nhưng đồng thời cũng có điểm lợi là được công chúng sớm quan tâm. Anh cũng cho biết làm “Đất rừng phương Nam” vì “lớp khán giả mới” nhưng vẫn “bám theo tinh thần của bản cũ, không quay 180 độ để các khán giả ngày xưa phải khó chịu”. Đoàn làm phim khởi quay ở nhiều bối cảnh miền Tây từ cuối năm ngoái, như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Hiện êkíp công bố hầu hết gương mặt chính trong phim. Bộ ba nhân vật nhí An, Cò, Xinh lần lượt do Huỳnh Hạo Khang, Kỳ Phong - cùng 13 tuổi, Bùi Lý Bảo Ngọc - 11 tuổi đảm nhận. Trấn Thành vào vai bác Ba Phi, Mai Tài Phến đóng Võ Tòng. Các diễn viên khác tham gia gồm: NSƯT Công Ninh, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Tuấn Trần. Ngoài ra, diễn viên quần chúng tham gia phim lên tới trên 3.000 người.
Trong khi đó, nhà sản xuất phim “Người vợ cuối cùng” cũng đã tung ra những hình ảnh và thông tin ban đầu. Poster đầu tiên của bộ phim cũng đã được công bố. Theo đó, "Người vợ cuối cùng" sẽ khởi chiếu từ ngày 3/11.
Được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của nhà văn Hồng Thái, bộ phim xoay quanh cuộc đời của Linh (Kaity Nguyễn thủ vai). Nhân vật Linh của Kaity Nguyễn xuất hiện xinh đẹp nhưng đượm buồn. Từ một thôn nữ ngây thơ hồn nhiên, cô bước vào làm dâu nhà hào môn với nhiều xáo động trong tâm can. Gương mặt Linh trông trĩu nặng như cánh chim non sắp gặp bão lớn, đôi mắt đăm đắm những dự cảm chẳng lành.
Kaity Nguyễn vốn quen thuộc ở những vai cá tính sắc sảo, giờ đây thử sức trong hình tượng mong manh nhưng nội tâm mãnh liệt của người phụ nữ đã có chồng. Đạo diễn Victor Vũ đánh giá Kaity Nguyễn có vẻ đẹp tiệm cận với chuẩn mực của phụ nữ Bắc bộ thế kỷ 19. Sự biến hóa đa dạng trong biểu cảm của Kaity Nguyễn cũng góp phần chứng minh thực lực của nữ diễn viên, luôn sẵn sàng thử sức với những tạo hình mới, dạng vai mới. "Tôi thích những nhân tố trẻ và lạ. Xét về tiêu chí này, Kaity Nguyễn là lựa chọn hợp lý vì cô ấy chưa bao giờ thử sức với thể loại cổ trang", đạo diễn chia sẻ.
Nói về sự trở lại với phim “Người vợ cuối cùng”, Victor Vũ cho biết, mình được truyền cảm hứng nhiều nhất từ thể loại phim cổ trang, mang tới nhiều yếu tố văn hóa Việt. Lần này, Victor Vũ muốn kể một câu chuyện tình cảm, tâm lý dựa trên bối cảnh Việt Nam thời xưa nhưng vẫn gần gũi với người xem thời nay.
Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, khi được hỏi kỳ vọng gì về doanh thu "Đất rừng phương Nam" đã bộc bạch, hầu như nhà làm phim nào cũng mơ có tác phẩm 400-500 tỷ đồng. “Trước đây, tôi từng có ba phim đạt doanh thu kỷ lục. Sau này, tôi nhận ra quan trọng nhất là làm phim mình thích, đồng thời có lãi để mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Phim thắng lớn thì quá vui, nhưng điện ảnh cũng cần những dự án không lời nhiều, thậm chí lỗ, song sẽ là tiền đề cho tương lai. Với tôi, “Đất rừng phương Nam” là một phép thử như thế, để mở ra các phim cùng thể loại, chẳng hạn như “Chiếc lược ngà” - chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của ba tôi, cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng”, đạo diễn Quang Dũng chia sẻ.