Tăng trưởng tín dụng nhưng cẩn trọng rủi ro

H.Hương (lược ghi) 31/07/2023 08:00

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Ông Lê Duy Bình.

Sau 4 lần giảm liên tiếp lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm 1%/năm so với cuối năm 2022. Việc giảm lãi suất là thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân và cũng là biện pháp để kích thích cầu tín dụng qua hình thức giảm giá.

Tuy nhiên, theo ông Bình, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ 2 do chính các DN và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của các DN, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.

Ông Bình cho rằng sự hồi phục về tốc độ tăng trưởng tín dụng không chỉ xuất phát từ nỗ lực duy nhất của ngành Ngân hàng mà còn cần sự vào cuộc và chung tay của các ngành, nghề khác. Ví dụ như tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ khả thi khi ngành công thương có các nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo quay trở lại. Tín dụng cho lĩnh vực thương mại sẽ chỉ có thể được duy trì, tăng cao nếu như các hoạt động thương mại, tiêu dùng trong nước, hay hoạt động xuất - nhập khẩu được cải thiện.

Với tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng trong nền kinh tế lần lượt chiếm 39,7% và 24,5%, tăng trưởng tín dụng với các hoạt động dịch vụ khác và thương mại sẽ có ý nghĩa đóng góp quan trọng cho tổng mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm và cho toàn ngành kinh tế. Tăng trưởng tín dụng của các ngành này chỉ tăng nếu như các ngành như du lịch, công nghệ thông tin, xuất - nhập khẩu, vận tải, logistics hồi phục và các bộ, ngành phụ trách các ngành này thực hiện các biện pháp nỗ lực để đưa tốc độ tăng trưởng tích cực của các ngành này sớm quay trở lại.

“Vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nằm nhiều ở tổng cầu. Ngoại trừ tiêu dùng trong nước, đầu tư, chi tiêu Chính phủ đặc biệt thông qua đầu tư công là những yếu tố có thể tác động và phần nào kiểm soát được, thì hoạt động xuất nhập khẩu hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Thực tế thì sự hồi phục của thị trường xuất khẩu cho tới thời điểm này vẫn còn đối diện với thách thức. Trong bối cảnh đó, gia tăng tín dụng để DN hay các cơ sở kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh trong khi tổng cầu không đảm bảo hấp thụ được năng lực sản xuất được mở rộng và nguồn cung gia tăng sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với chính DN và đối với chất lượng tín dụng” - ông Bình nhận xét.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng gia tăng tín dụng chỉ bằng biện pháp giảm lãi suất mà không song hành với các biện pháp hồi phục, củng cố và phát triển tổng cầu sẽ khiến nguồn vốn tín dụng gia tăng và được chuyển tải đến các dự án sản xuất kinh doanh thiếu bền vững về tài chính, không chắc chắn về phương án trả nợ. Do thiếu các dự án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, có khả năng hoàn trả nợ vay, các nỗ lực đẩy mạnh vốn ra thị trường thậm chí có thể dẫn đến tình trạng vốn tín dụng được chuyển tới các lĩnh vực có tính đầu cơ, từ đó khiến một số thị trường tăng giá bong bóng trở lại.

“Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay không đạt được mục tiêu 14-15% song tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được mức 5,3% tiệm cận mức mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% như Chính phủ đề ra, đồng thời lạm phát được kiểm soát, tỷ giá hối đoái được ổn định, các chỉ số kinh tế vĩ mô được duy trì, sức khoẻ của ngành ngân hàng, hệ thống tài chính được đảm bảo, đầu tư vẫn gia tăng, thì đây chắc chắn không phải là một điểm trừ. Trái lại, đây lại là một điểm cộng do nó là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế bắt đầu hướng tới mục tiêu sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn và nền kinh tế sẽ có những định hướng để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, chú trọng hơn khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn khác của nền kinh tế. Đó mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững và là khởi đầu cho sự dịch chuyển từ mô hình dựa trên các yếu tố đầu vào sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và hiệu quả.

Tăng trưởng tín dụng nên chỉ ở liều lượng phù hợp để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Vốn tín dụng quá nhiều, vượt quá năng lực hấp thụ của nền kinh tế sẽ gây rủi ro về nợ xấu, rủi ro bong bóng tài sản, tình trạng đầu cơ.

H.Hương (lược ghi)