Để doanh nghiệp phục hồi
Trong 7 tháng, cả nước có gần 132.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số rút lui khỏi thị trường là hơn 113.000 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Bùi Đức Thụ - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ một cách hợp lý, hiệu quả đối với doanh nghiệp trong nước để phục hồi.
PV:Thưa ông, trong 7 tháng cả nước có nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới nhưng cũng có nhiều DN rút khỏi thị trường. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Bùi Đức Thụ: Bối cảnh kinh tế xã hội trong 7 tháng đầu năm có những điểm sáng nhưng cũng có không ít khó khăn. Số DN xuất khẩu có ít đơn đặt hàng hơn. Do có khó khăn về đầu ra trong sản xuất kinh doanh nên nhiều DN thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, cho người lao động nghỉ việc.
Lãi suất ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 lên rất cao khiến tình trạng hoạt động của các DN càng khó. Nhất là trong tổng các DN thì 97% là DN nhỏ và vừa, các DN hoạt động chủ yếu là vốn vay. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, các khó khăn của nền kinh tế chưa được tháo gỡ, chi phí vốn gia tăng đẩy các DN vào tình trạng căng thẳng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN không thể trụ vững: hơn 113.000 DN đã phải rút khỏi thị trường.
Tuy nhiên trong tháng 7 cả nước lại có 13.700 DN thành lập mới, thưa ông?
- Trong thời gian qua, số DN đi vào hoạt động cao hơn số rút khỏi thị trường. Thế nhưng DN rút khỏi thị trường là những DN đang hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước, đóng góp cho ngân sách, và giải quyết vấn đề việc làm. Khi họ rút lui sẽ làm chậm lại sự tăng trưởng phát triển trong các lĩnh vực. Còn DN thành lập mới cũng phải vài năm mới xâm nhập được vào thị trường, được thị trường biết đến và thừa nhận. Quá trình để khẳng định bản thân cũng mất nhiều năm. Cho nên dù số DN rút khỏi thị trường ít hơn so số thành lập mới nhưng lại tác động rất lớn đến tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tác động đến tài chính ngân sách của Nhà nước.
Vậy theo ông cần giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên?
- Chúng ta phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu. Đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững, lấy niềm tin cho DN yên tâm đầu tư. Do đó cần kiểm soát lạm phát hợp lý. Quản lý sử dụng điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hợp lý, tránh thay đổi quá đột ngột. Duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý phù hợp với tình hình thực tiễn. Nếu lạm phát tăng thì lãi suất cho vay cũng phải tăng, gây khó khó khăn cho DN. Việc ổn định chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, giảm chi phí về vốn đối với DN để tiếp sức cho DN.
Đồng thời, phải tổ chức quản lý thị trường tốt hơn; cần phải tiếp cận các thị trường mới, khai thác lưu thông hàng hoá, duy trì chuỗi giá trị hàng hoá, hạn chế đứt gãy, thiếu thị trường tiêu thụ để duy trì sản xuất kinh doanh cho các DN, nhất là các DN lớn, DN xuất khẩu. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công tạo nguồn lực tạo ra lực lượng sản xuất mới, thúc đẩy kinh tế. Đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước, FDI vào nhiều hơn, khơi dậy được các nguồn lực, tạo lực đẩy cho tăng trưởng.
Tuy nhiên cũng cần chú trọng hơn tới thị trường trong nước. Làm sao phải có chính sách để tăng cầu trong nước thì mới đảm bảo được quy mô thị trường, lưu thông hàng hoá, tiêu thụ hàng hoá thuận lợi hơn đối với các DN, nền kinh tế. Tiêu thụ hàng hoá tốt thì mới duy trì được sản xuất, và quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, DN cần môi trường đầu tư thông thoáng thuận lợi, tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Muốn vậy cần rà soát bỏ hết các thủ tục cản trở sản xuất kinh doanh, làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vừa qua, Chính phủ đã có một loạt các chính sách hỗ trợ cho DN. Ông nhận xét thế nào về kết quả của sự hỗ trợ?
- Trong lúc DN khó khăn về tài chính, thị trường, cạnh tranh gay gắt hơn thì cần có cơ chế chính sách hỗ trợ một cách hợp lý để DN phục hồi. DN tồn tại và phát triển chính là đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng, việc làm, thu nhập và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Hiện đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhưng điều đáng buồn là tổ chức thực hiện gặp khó khăn do các quy định, điều kiện. Có gói chính sách sắp hết hạn nhưng giải ngân tỷ lệ thấp. Do đó cần tổng kết thực tiễn và ban hành quy định mới sao cho phù hợp hơn. Chính sách khi được ban hành phải tháo gỡ được các nút thắt, giải quyết khó khăn ở thời điểm hiện nay trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tránh việc ban hành chính sách rất hay, rất nhân văn nhưng lại không áp dụng được trong thực tế.
Đối với các DN, ông có lời khuyên gì với họ ở thời điểm này?
- Hỗ trợ của Nhà nước có mục tiêu, có phạm vi mức độ, có thời hạn. Bên cạnh đó tạo môi trường thông thoáng cần thiết cho DN. Nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường thì sức sống phải do chính DN quyết định. Cho nên DN phải tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, chủ động tiếp cận thị trường, đảm bảo duy trì kết nối chuỗi giá trị liên quan đến hoạt động sản xuất của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Để vượt qua khó khăn phải nỗ lực đổi mới quản trị trong DN, chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo bồi dưỡng người lao động, nâng cao năng suất lao động. Qua đó mới nâng cao được sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính DN, sức sống của DN sẽ bền vững hơn. Năng động quyết liệt hơn, cải cách mạnh hơn. Đó chính là việc DN cần phải làm vào lúc này.