Xóa bất cập trên cao tốc
Tai nạn giao thông, thiếu trạm dừng chân, thiếu đèn đường, làn dừng khẩn cấp hay ngập nước là tình trạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn khi di chuyển trên các tuyến đường cao tốc mới được khai thác khu vực phía Nam.
Nhiều nguy cơ mất an toàn
Anh Nguyễn Văn Tùng (51 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, TPHCM) - một tài xế xe du lịch cho biết, thời gian gần đây khi di chuyển trên cao tốc, đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Thuận), anh đã bắt gặp khá nhiều gia súc như trâu, bò của người dân đi lạc vào tuyến cao tốc. “Nếu di chuyển vào ban ngày mình có thể quan sát thấy để xử lý, nhưng nếu ban đêm, trời mưa sẽ rất nguy hiểm bởi trên cao tốc thường di chuyển tốc độ cao” - anh Tùng nói.
Cũng theo anh Tùng, tuyến cao tốc này còn thiếu nhiều đèn đường chiếu sáng vào ban đêm, ngay cả khu vực lối ra/vào cũng chưa đủ đèn đường, mà chủ yếu phụ thuộc vào đèn xe của phương tiện để di chuyển, xử lý tình huống.
Mặc dù đưa vào khai thác được hơn 2 tháng nhưng tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo chưa chính thức được hoàn thành, nhiều hạng mục vẫn đang tiếp tục xây dựng. Cơ quan chức năng đưa vào khai thác sớm để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông khu vực. Do chưa hoàn thiện hành lang bảo vệ cao tốc gồm 2 lớp, là lớp tôn hộ lan (rào chắn an toàn) và lớp rào chắn bằng thép lưới, cột thép kiên cố để ngăn chặn gia súc, thú hay cả người tiếp xúc với đường cao tốc.
Ngoài cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dài 55km đi qua địa phận TP Cần Thơ và Kiên Giang) gần đây cũng xôn xao vì hàng trăm con vịt đi lạc vào cao tốc. Các phương tiện ô tô di chuyển trên cao tốc này buộc phải dừng lại, chờ đợi chủ đàn vịt tìm tới để di chuyển chúng đi. Được biết, dù đã đưa vào hoạt động mấy năm nay, nhưng tuyến cao tốc này vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một số khu vực rào chắn thép bị hư hỏng, bị người dân xung quanh tháo dỡ để canh tác khiến cho tình trạng vật nuôi của người dân hai bên đường có thể đi lạc vào cao tốc. Tuyến cao tốc này được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa là 80km/h nhưng các phương tiện đều di chuyển với tốc độ thấp hơn nhiều bởi vướng các “ô gà, ổ voi” do mưa, sụt lún nền đất… chưa kịp khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, dư luận cũng khá bất ngờ khi một đoạn đường cao tốc của tuyến Dầu Giây - Phan Thiết (đi qua tỉnh Bình Thuận) bị ngập sâu sau cơn mưa lớn. Hàng trăm phương tiện đã bị ùn tắc khi di chuyển qua đây.
Tìm cách khai thác an toàn
Được thiết kế dành riêng cho phương tiện ô tô và có độ an toàn cao, các tuyến đường bộ cao tốc đã rút ngắn thời gian di chuyển, có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp hơn rất nhiều so với các đoạn đường quốc lộ tương ứng. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào khai thác, những tuyến cao tốc phía Nam đã nảy sinh một số bất cập và cần được giải quyết.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, nhiều tuyến cao tốc hiện tại cũng chưa có trạm dừng chân khiến nhiều tài xế, hành khách cảm thấy bất tiện. Sau hơn 2 tháng đưa vào khai thác, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở đang yêu cầu 2 đơn vị là Ban quản lý 7 và Công ty Thăng Long (đơn vị thi công tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo) đẩy mạnh thi công các hạng mục trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện di chuyển.
Về việc thiếu trạm dừng chân, hiện nay Bộ GTVT đã thống nhất sẽ xây dựng thêm 3 trạm dừng chân ở 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi di chuyển trên các tuyến đường này.
Với gần 500km đường cao tốc đang được khai thác (gồm trục TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và trục TPHCM-Long Thành-Dầu Giây-Phan Thiết-Vĩnh Hảo hay cả Cam Lâm-Nha Trang), hệ thống đường cao tốc phía Nam đã mang tới nhiều thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn, giải quyết các bất cập khi khai thác các tuyến đường cao tốc trên cũng là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận, các đơn vị thi công tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo cần khắc phục ngay các sự cố như hầm chui, đường bị ngập nước gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngoài ra, một số nút giao kết nối với cao tốc, nhà điều hành, trạm thu phí đang được thi công song song với việc khai thác nên yêu cầu các đơn vị phải có phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện, công nhân khi thi công.