Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Cần tính toán phương án đánh thuế hợp lý
Theo Bộ Tài chính, đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), có 91 ý kiến nhất trí và 9 ý kiến khác đề nghị chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu, bia.
Chính phủ cơ bản thống nhất đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023.
Tại Phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến 8 nội dung quan trọng, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp và đời sống nhân dân, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Báo cáo đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và Báo cáo đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.
Trong đó, đối với Đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB, Chính phủ cơ bản thống nhất với 7 nhóm chính sách, gồm: Hoàn thiện các quy định về đối tượng chịu thuế TTĐB; Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế TTĐB; Hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế TTĐB; Hoàn thiện quy định về giá tính thuế TTĐB; Hoàn thiện quy định về thuế suất thuế TTĐB; Hoàn thiện quy định về hoàn thuế TTĐB; Hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ với các yêu cầu gồm:
Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế TTĐB nhằm điều tiết tiêu dùng phù hợp xu hướng tiêu dùng trong xã hội theo hướng bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường, bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Đối với chính sách, giải pháp liên quan đến bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để tăng tính thuyết phục và thống nhất với các luật liên quan.
Về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế TTĐB, xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Về đối tượng không chịu thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, hoàn thuế TTĐB..., cần căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định này, bám sát Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm giải pháp đề xuất có tính khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc, thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan...
Cần tính toán phương án đánh thuế hợp lý
Tại Việt Nam, mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016 - 2018; tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia vẫn ở mức cao và gia tăng nhanh.
Cụ thể, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Đồng thời, đây cũng là một trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra.
"Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỉ lệ thuế chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Để góp phần giảm sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, cần nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia đảm bảo mức tăng giá rượu, bia sau khi điều chỉnh phải tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát", Bộ Tài chính cho hay.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến vào dự thảo hồ sơ báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), dựa trên tiêu chí phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; đồng thời hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng.
Phía Bộ Tài chính cho biết, đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), có 91 ý kiến nhất trí và 9 ý kiến khác (chủ yếu là các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài...) đề nghị chưa tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia và đề nghị áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng này do các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp rượu, bia đang trong tình trạng khó khăn, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ đã lỗi thời, việc tăng thuế tỷ lệ sẽ tăng buôn lậu rượu cao cấp.
Liên quan đến thuế TTĐB, nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Úc, Nhật Bản, … từ lâu đã áp thuế TTĐB dựa trên nồng độ cồn với bia, rượu (Bia, rượu có nồng độ cồn càng cao, sẽ càng phải chịu thuế cao).
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến nghị các quốc gia nên cân nhắc việc tăng thuế TTĐB khi nồng độ cồn trong sản phẩm tăng lên.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng nên tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỉ lệ phần trăm. Tuy nhiên, việc tính thuế TTĐB cũng cần cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.
Việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức hợp lý và có lộ trình có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, vừa giúp điều chỉnh hành vi lạm dụng bia, rượu mà vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.