Giá xăng dầu biến động: Người dân và doanh nghiệp đều lo
Giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày hôm nay (1/8) được dự báo tăng. Giá xăng dầu biến động trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng tác động đến “sức khỏe” doanh nghiệp và sức cầu của nền kinh tế.
Doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng
Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng. Bình quân giá xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ 24-26/7 là 99,12 USD/thùng; bình quân giá xăng RON95 là 104,8 USD/thùng. Trong khi ở chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON92 tại thị trường Singapore là 93,12 USD/thùng, giá xăng RON95 là 98,92 USD/thùng.
Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON92 từ ngày 24-26/7 tăng 6 USD/thùng, bình quân giá xăng RON95 tăng 5,88 USD/thùng. Tương tự, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật từ ngày 24-26/7 cũng tăng so với chu kỳ trước.
Tại thị trường trong nước, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, giá xăng trong nước sắp tới có thể tăng từ 900 - 1.300 đồng/lít, giá các loại dầu có thể tăng nhẹ hơn, từ 500 - 1.000 đồng/lít. Trước đó, tại kỳ điều hành giá ngày 21/7, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh.
Giá xăng tăng trong bối cảnh cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn, chắc chắn tác động tới sức khỏe DN cũng như ảnh hưởng sức cầu của nền kinh tế. PGS Phan Thế Công - Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Thương mại) nhận định, hiện nay giá nguyên nhiên vật liệu, xuất nhập khẩu có xu hướng tăng giảm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, nguyên nhiên vật liệu vẫn cao và tạo thêm áp lực lên DN.
Chị Đinh Thu Hương (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, giá xăng tăng liên tiếp đã đẩy chi phí sinh hoạt của gia đình tăng theo. Chưa kể dù giá xăng tăng 500 đồng - 1.000 đồng/lít nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng sinh hoạt thường ngày đều tăng mạnh với lý do được người bán đưa ra là “do xăng tăng giá”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, giá dầu thô và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, DN Việt Nam muốn giảm thiểu ảnh hưởng từ việc giá đầu vào nguyên liệu tăng, cần tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Linh hoạt trong điều hành giá
Nếu so với thời điểm 1,5 năm về trước thì giá xăng dầu và các nhiên liệu khác có xu hướng ổn định và không có nhiều tác động tiêu cực tới lạm phát của Việt Nam. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan với biến động của giá xăng dầu. Bởi giá xăng tăng hay giảm có tác động rất lớn tới người dân cũng như DN.
Đưa ra một số khuyến nghị để điều hành giá, kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng trước hết các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận. Cần hỗ trợ DN nâng cao năng suất lao động, đưa công nghệ vào sản xuất hạ giá thành sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng nội địa với các mặt hàng thiết yếu, cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một cách hợp lý. Bên cạnh đó, tăng cường việc kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ các DN làm ăn chân chính. Các mặt hàng là đầu vào như xăng dầu, than, điện… cần quản lý một cách chặt chẽ tránh điều hành “giật cục” không có lợi cho thị trường và giá cả chung.
Nhận thức rõ về những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng cuối năm, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, sự chủ động cũng phải đến từ các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quản lý giá theo thẩm quyền.
Đặc biệt phải thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Trung tuần tháng 7, hàng trăm DN bán lẻ xăng dầu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình kinh doanh và kiến nghị liên quan đến nghị định kinh doanh xăng dầu. Theo phản ánh, hiện nay, các DN bán lẻ xăng dầu luôn trong tình trạng hoạt động bấp bênh, thua lỗ. Quy định tại các chính sách không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức dẫn đến việc DN đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành. Chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến DN bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ.
Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mong Chính phủ sớm ban hành nghị định để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng, bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là giảm bớt khó khăn cho các DN nói chung và DN bán lẻ xăng dầu nói riêng.