Đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động

H.Vũ 01/08/2023 06:40

Trước khi Hội đồng tiền lương quốc gia dự kiến họp vào đầu tháng 8, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm nên tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân.

Ông Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã được đưa ra nhiều lần. Kể cả Quốc hội đã bàn và cho rằng đây là sự cần thiết, nhưng vấn đề thực hiện thế nào thì phải tính toán nguồn lực nội tại của mình. Vậy khi tăng thì có đảm bảo công bằng ở tất cả các lĩnh vực hay không? Và mức đó đã giải quyết vấn đề cho người lao động (NLĐ) hay chưa? Cho nên vấn đề đầu tiên là việc tăng bao nhiêu thì cần phải tính toán.

Bên cạnh đó, cần phải có các biện pháp khác kèm theo. Ví dụ khi tăng lương thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ lên, lạm phát sẽ lên do sức mua tăng. Cho nên, cần phải có giải pháp đi kèm để kiểm soát giá tiêu dùng, chứ không để lương tăng thì giá tăng. Cũng giống như Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì khi hỗ trợ, “bơm tiền” cho nền kinh tế phải có các giải pháp để kiềm chế lạm phát. Tức là bên cạnh việc tăng lương cần có các giải pháp đi kèm, nếu không sẽ phản tác dụng. Bởi đã nhiều lần chúng ta tăng lương song chỉ thời gian ngắn là giá tăng, do đó lương tăng không theo kịp với giá cả hàng hóa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), hàng năm Hội đồng tiền lương quốc gia đều họp và quyết định tăng lương. Chỉ vài năm gần đây, nhất là trong giai đoạn Covid-19 phải dành nguồn lực cho việc chống dịch cho nên chưa tăng. Đây là bài toán khó khăn. Từ năm 2022 mọi chi phí của cuộc sống tăng cao hơn, giá điện tăng, học phí tăng, giá thực phẩm tăng cho nên mọi chi phí đều tăng cao hơn. Nếu giữ mức lương hiện nay thì NLĐ rất chật vật. Theo bà Nga, nhu cầu chính đáng của NLĐ là tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Tuy nhiên hiện nay DN cũng đang gặp khó khăn. Do đó nếu tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN vì ngoài chi trả lương thì DN còn hỗ trợ NLĐ đóng bảo hiểm, phí công đoàn. Đây là bài toán khá đau đầu để cân nhắc tăng hay không tăng.

“Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên tăng lương tối thiểu vùng vì chúng ta vừa điểu chỉnh lương cơ sở của cán bộ công chức xong, nếu không điều chỉnh lương của NLĐ thì khó cho họ. Lương trả cho NLĐ phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ, để họ gắn bó với DN. DN đang khó khăn nhưng nếu NLĐ lại tiếp tục “quay lưng” với DN thì DN sẽ không “vực dậy” được” - bà Nga nói.

H.Vũ