Sông Hồng trong dòng chảy thời gian – Bài 1: Hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông
Hơn 1000 năm trước, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Ninh Bình ra thành Đại La xây dựng kinh thành Thăng Long đã sớm nhận thấy địa thế “tựa núi, nhìn sông” của vùng đất này. Sông Hồng với vị trí vô cùng quan trọng của đồng bằng Bắc Bộ và cũng là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Thăng Long - Hà Nội, của người Việt Nam.
Bề dày văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Trong phần tổng luận của cuốn “Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, GS Đinh Gia Khánh cho rằng Thăng Long - Kẻ Chợ ở sát sông Hồng, là một điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của một thành thị lớn. Còn theo GS Đặng Cảnh Khanh, nằm trên một vùng đất đai phì nhiêu, trung tâm của châu thổ sông Hồng, Thăng Long - Hà Nội đã mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý và nhân học, về chính trị, kinh tế và văn hóa.
GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, lịch sử thế giới từng xác nhận sự hình thành và phát triển rực rỡ của nhiều nền văn minh nhân loại gắn với những dòng sông lớn nối liền đại lục với đại dương. Sông là huyết mạch, là nhựa sống, là bầu sữa nuôi lớn các nền văn minh trên trái đất. Nền văn minh sông Hồng và đô thị Thăng Long - Hà Nội cũng có quá trình hình thành và biến đổi không nằm ngoài quy luật phổ biến này.
Lý giải cho sự phát triển bậc nhất về văn hóa của Thăng Long trong nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nhận xét, cứ lớp phù sa nọ gối tiếp lớp phù sa kia tạo nên một Thăng Long - Hà Nội bề dày văn hóa như ngày hôm nay.
Dọc hai bờ sông Hồng hiện còn nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, cùng đó là các lễ hội như: Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo và Ðức Thánh Chử Ðồng Tử…
Ở đây cũng có nhiều làng nghề truyền thống, làng cổ, như Đường Lâm - làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006; làng Bát Tràng với những sản phẩm gốm lừng danh.
Trong dòng chảy thời gian, sông Hồng như một nhân chứng sống của lịch sử và văn hóa của đất nước; là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tác. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã dành sự quan tâm đặc biệt đến sông Hồng, tạo nên một phần quan trọng trong di sản văn hóa của đô thị ngàn năm tuổi.
Quy hoạch “tựa núi, nhìn sông”
Sông Hồng với Thủ đô Hà Nội không chỉ là “người” chứng kiến lịch sử hình thành và phát triển của thành phố mà còn là một nền văn minh sâu thẳm.
Xưa nay, dọc hai bên sông Hồng đã quần cư một cách tự nhiên, từ đó hình thành làng mạc, phố phường. Chính vì thế, hôm nay, việc quy hoạch phát triển hai bên sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội là điều cần thiết.
Trên thế giới, nhiều đô thị rất đẹp cũng đã hình thành từ các dòng sông. Đó là Thủ đô Paris nước Pháp nằm bên bờ sông Seine; Thủ đô London nước Anh bên bờ sông Thames; Melbourn (Australia) hình thành nơi hạ lưu sông Yarra; Seoul (Hàn Quốc) có kỳ tích sông Hàn; Budapest (Hungary) bên bờ sông Danube…
Điểm chung tạo nên thành công cho các đô thị ven sông ở tất cả các quốc gia là việc xác định sẵn từ khâu quy hoạch, trong đó không gian hai bên bờ sông phải hướng tới sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, đảm bảo nét hài hòa trong kiến trúc cũng như kết nối dòng sông với lợi ích chung của toàn xã hội. Về hạ tầng giao thông, xây dựng thêm nhiều cây cầu vượt sông; kiến tạo trục cảnh quan hai bên sông với những con đường dạo bộ; những công trình văn hóa, không gian công cộng mang màu sắc hiện đại. Đó là sự kết nối quá khứ và hiện tại.
Từ đó, việc quy hoạch phát triển hai bên sông Hồng đặt ra bài toán cho Đảng bộ, chính quyền và cả người dân Hà Nội về việc giữ gìn và phát huy văn minh sông Hồng.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan.
Năm 2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1045 ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nêu rõ việc phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khung kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho phát triển bền vững trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Thay vì "quay lưng” vào sông, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển thành phố theo hướng “tựa núi, nhìn sông”, các không gian sáng tạo đem lại sự sôi động, náo nhiệt, hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, năng động. Sông Hồng sẽ là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Đây là bước khởi đầu cho việc hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng.
Thành phố hai bên sông Hồng đang dần định hình. Điều này giúp cho Hà Nội không chỉ cân bằng mật độ phát triển vốn đang nghiêng về vùng lõi phố cổ, mà còn tạo ra không gian rộng lớn và giàu tiềm năng và cũng sẽ mở ra hy vọng cho người dân trong mênh mang vùng đất bãi.
Quy hoạch hai bên sông Hồng, theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, trong tương lai sẽ hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại.
(Còn nữa)