Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học góp phần đổi mới căn bản ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai

PV 01/08/2023 11:00

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai cơ bản đã đạt được những thành tựu nhất định. Trong đó, nổi bật lên là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học đã góp phần tương đối lớn để hoàn thiện nội dung này.

Ngày 2/11/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT về Quy chế thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Mục đích của Cuộc thi: Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Phát triển văn hóa đọc trong trường trung học gắn với đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học. Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Từ năm học 2013-2014 đến nay, cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia và cấp tỉnh đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Bởi ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh, nhiều dự án dự thi thể hiện sự đầu tư công phu, sáng tạo, bài bản và có ý nghĩa cả lý luận và thực tiễn.

.
Phong trào nghiên cứu KHKT trong các nhà trường đã được lan tỏa và hưởng ứng rộng.

Trong 9 năm qua, Gia Lai luôn là tỉnh có dự án chất lượng trong tốp đầu cả nước, có liên tiếp dự án thi quốc tế. Đây là minh chứng về tiềm năng vừa học vừa nghiên cứu của học sinh xứ sở cây kơ nia với sức sống mãnh liệt, đồng thời thể hiện sự triển khai đúng hướng, hiệu quả, nghiêm túc của ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai.

Năm học 2014-2015, Sở GDĐT tỉnh Gia Lai tổ chức Cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh Gia Lai lần thứ nhất với 20 dự án dự thi với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kỹ thuật điện và cơ khí; Quản lý môi trường - tái chế; Khoa học xã hội và hành vi; Khoa học thực vật; Toán học; Hóa Sinh. Từ đó đến nay số dự án tham dự Cuộc thi KHKT cấp tỉnh tăng liên tục, đa dạng về lĩnh vực và thu hút rộng rãi thành phần tham gia (học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông). Cụ thể năm học 2015-2016 có 52 dự án tham gia; năm học 2016-2017 có 49 dự án tham gia; năm học 2017-2018 có 69 dự án tham gia; năm học 2018-2019 có 93 dự án tham gia; năm học 2019-2020 có 50 dự án tham gia; năm học 2020-2021 có 100 dự án tham gia; năm học 2021-2022 có 69 dự án tham gia; năm học 2022-2023 có 76 dự án tham gia.

Số trường tham gia Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp tỉnh có 445 trường. Số dự án tham gia Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp tỉnh có 625 dự án. Số dự án đạt giải Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp tỉnh có 379 dự án. Số dự án tham gia Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp quốc gia có 38 dự án. Số dự án đạt giải Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp quốc gia có 33 dự án. Số dự án tham gia Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp quốc tế có 2 dự án: Năm học 2017-2018, Dự án “Khả năng hấp thụ và phóng thích thuốc Famotidin của mạng lưới cấu trúc 3D-nano-cellulose (M3NC) lên men từ trà xanh (Camellia sinensis)” và năm học 2018-2019, Dự án “Bước đầu nghiên cứu tạo cây Bạch đàn lai UP chuyển gen EcHB1 làm tăng chiều dài sợi gỗ”.

Phong trào nghiên cứu KHKT trong các nhà trường đã được lan tỏa và hưởng ứng rộng, kể cả với những trường ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Các dự án có sự đồng đều hơn về các lĩnh vực, sự đầu tư theo chiều sâu, hàm lượng khoa học cao, đặc biệt mang tính thời sự của địa phương và nhất là có khả năng ứng dụng vào thực tiễn lao động sản xuất. Cuộc thi nghiên cứu KHKT ngày càng phát huy được ý nghĩa trong việc khơi dậy sự đam mê sáng tạo của các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và tiệm cận hơn với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay.

Trong năm học 2022-2023, các dự án đã quan tâm đến vấn đề môi trường, tâm sinh lý, vấn đề mang tính thời sự địa phương và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều học sinh biết khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, khai thác tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực du lịch của tỉnh trong tương lai. Nhiều dự án dự thi của học sinh được đầu tư công phu, mang tính chuyên môn cao. Điều đó thể hiện quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc của các em, sự hướng dẫn tận tâm của các giáo viên hướng dẫn.

Dự án của học sinh Gia Lai tham uộc thi nghiên cứu KHKT
Dự án của học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu KHKT.

Cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, đặc biệt là bậc trung học phổ thông. Tổ chức các hoạt động phát triển năng lực học sinh như: nghiên cứu khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, thi hùng biện Tiếng Anh, thuyết trình văn học,… Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tổ chức triển khai thực hiện việc nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 2/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến. Phát động, tổ chức Cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo cơ hội để học sinh trung học phát huy khả năng nghiên cứu, nâng cao kiến thức liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất, định hướng nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong trung học. Phát triển giáo dục STEM, góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Công tác nghiên cứu KHKT đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đặc biệt, thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, trong các năm học gần đây, các trường trung học đã từng bước tổ chức các hoạt động giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) cho học sinh. Khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, đưa ra những ý tưởng sáng tạo, phát hiện những ý tưởng có tiềm năng để các em tham gia Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp cơ sở và cấp tỉnh do Sở GDĐT tổ chức. Hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh trung học đã được triển khai có hiệu quả và thường xuyên ở các trường học. Nhờ đó, chất lượng các đề tài nghiên cứu dự thi có bước phát triển rõ rệt, các dự án đã được các em học sinh đầu tư công phu hơn, chất lượng hơn.

Có thể khẳng định rằng Cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học đã khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, và vận dụng các kiến thức đã học ở các môn khoa học vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực học sinh.

Từ những kết quả đạt được trong Cuộc thi nghiên cứu KHKT các cấp, các em học sinh đã khẳng định việc làm chủ khoa học và công nghệ trong tương lai; hạt nhân trong phong trào thi đua nghiên cứu KHKT để đóng góp phần vào việc làm thay đổi chất lượng giáo dục tỉnh nhà, góp phần thực hiện đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục tỉnh Gia Lai.

PV