Có nên bỏ tích hợp một số môn học?
Sau thời gian triển khai, việc dạy môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới đang bộc lộ bất cập từ khâu chọn SGK đến bố trí đội ngũ giáo viên.
Lo ngại chất lượng các môn học
Trong năm học 2022-2023, cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT đều đã bước vào chương trình Giáo dục phổ thông mới. Như vậy với phương thức cuốn chiếu, chỉ còn hai năm học nữa, Bộ GDĐT triển khai xong chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy học tích hợp là điểm mới, đòi hỏi sự thay đổi trong tổ chức dạy học. Tuy nhiên, việc dạy môn tích hợp vẫn là một khó khăn lớn của các nhà trường.
Mới đây, ý kiến của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, Bộ GDĐT nên đánh giá lại, bỏ tích hợp một số môn học thu hút nhiều quan điểm đồng tình từ phía đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường.
Theo thầy Khang, việc triển khai thực hiện tích hợp một số môn học như trên quá khiên cưỡng; không thấy ưu điểm, chỉ thấy rắc rối cho việc giảng dạy của giáo viên môn Khoa học tự nhiên.
Đồng quan điểm, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng mai, Nghệ An) cho biết, ở bậc THCS, chương trình mới có các môn tích hợp: môn Nghệ thuật tích hợp từ hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật; môn Lịch sử và Địa lý tích hợp từ hai môn Lịch sử, Địa lý và môn Khoa học tự nhiên tích hợp từ các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Dưới gốc độ chuyên môn, thầy Tuấn Anh nhận xét, hàm lượng tích hợp của các môn học rất thấp. Thực chất là gộp các môn lại với nhau một cách cơ học thuần túy. Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên, các phần Vật lý, Hoá học, Sinh học vẫn thiết kế riêng biệt. Sự thay đổi lớn nhất là trước đây gọi là môn, thì nay gọi là phân môn.
Qua thời gian triển khai chương trình mới, thầy Tuấn Anh cho rằng, việc dạy môn tích hợp bộc lộ bất cập từ khâu chọn SGK đến bố trí đội ngũ giáo viên, phân công thời khóa biểu, kiểm tra, đánh giá, tập huấn đội ngũ.
Việc tích hợp như trên, thực tế giáo viên buộc phải dạy chéo môn, kể cả những địa phương đã tập huấn và cấp chứng chỉ liên môn cho giáo viên thì đó cũng chỉ “chữa cháy”. Trong khi giáo viên hiện nay đang thiếu rất nhiều. Về cơ bản nhà trường bố trí một giáo viên dạy trọn tất cả các phân môn trong môn tích hợp.
Song thầy Tuấn Anh thừa nhận: “Lớp 6, 7 còn gắng gượng được, đến lớp 8, 9 thì khó có thể nói về chất lượng của các môn học đó khi mà giáo viên thực chất là dạy chéo môn”.
Trả môn học về đúng vị trí?
Đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy tích hợp cũng cho rằng, việc thực hiện tích hợp liên môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang đối mặt với một số bất cập, bao gồm: nội dung, hình thức tích hợp, phương pháp, cách tổ chức dạy và học, cũng như kiểm tra và đánh giá trong nhà trường.
Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) đánh giá, việc thực hiện tích hợp gượng ép và thiếu cơ sở khoa đã làm mất tính hệ thống của nhiều môn học, gây khó khăn lớn cho quá trình dạy học.
Theo thầy Hiển, việc tích hợp Lịch sử và Địa lý, cũng như các môn khoa học như Vật lý, Hóa học, Sinh học trong một cuốn sách và do cùng một giáo viên giảng dạy không có căn cứ hợp lý, vì đây là những môn khoa học hoàn toàn khác nhau.
Dạy thêm Địa lý trong lớp thấp có thể tương đối dễ dàng cho giáo viên giảng dạy Lịch sử, nhưng khi tiến lên các lớp cao hơn như THCS, việc giảng dạy như vậy trở nên rất khó khăn, vì giáo viên vốn được đào tạo đơn môn nay phải chuyển sang đa môn, liên môn.
Thầy Hiển cho rằng, một khóa đào tạo ngắn hạn cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không giải quyết được gốc rễ vấn đề, vì không ai có thể giỏi cùng lúc nhiều chuyên ngành.
Cách kiểm tra và đánh giá cũng là một khó khăn lớn trong việc tích hợp liên môn. Thầy Hiển phân tích, giáo viên phải chuẩn bị đề thi chung, trong khi học sinh phải làm bài thi chung, nhưng kết quả lại phải được chia thành các con điểm riêng biệt cho từng phân môn.
Từ thực tế trên, thầy Hiển cho rằng, việc tích hợp và liên môn trong giáo dục là một thử thách lớn, và cần có sự quan tâm và nỗ lực từ phía các nhà quản lý giáo dục để tìm ra các giải pháp hợp lý và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Đồng thời, việc đào tạo và hỗ trợ giáo viên cũng cần được tăng cường để đảm bảo tích hợp và liên môn diễn ra một cách hiệu quả và có lợi cho việc phát triển học sinh.
“Dưới góc độ một giáo viên phổ thông, tôi cho rằng, Bộ GDĐT cần nghiêm túc và thẳng thắn xem lại vấn đề tích hợp, liên môn và đưa ra giải pháp nhanh chóng, cụ thể, chấm dứt liên môn, sớm trả các môn học về đúng vị trí”, thầy Hiển nêu quan điểm.
Thầy Lê Văn Tích – giáo viên Trường THCS Diễn Bích (Nghệ An) cho hay, ở môn Lịch sử và Địa lý, việc dạy tích hợp chỉ là ghép các môn học vào một quyển sách, giáo viên Lịch sử và Địa lý chủ yếu vẫn dạy riêng biệt.
Bất cập nhất là 2 giáo viên dạy ở 2 phân môn khác nhau nhưng khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ thì phải làm chung một bài: một nửa là môn Lịch sử, một nửa là môn Địa lý. Khi chấm cũng vậy 2 giáo viên chấm rồi cộng lại chia trung bình rồi vào sổ điểm.
Việc dạy tích hợp một số môn học đang gây khó khăn, rắc rối cho nhà trường, giáo viên và cả học sinh. Thầy Tích cho rằng, nên bỏ tích hợp, để các môn học riêng biệt như trước đây và chỉ nên thay đổi nội dung và phương pháp dạy học mà thôi.