Hà Nội cần mô hình 'Thành phố trong thành phố'
Thành lập “thành phố thuộc thành phố” sẽ thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh bên cạnh các đô thị trung tâm.
Ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội; và trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học: “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Phát biểu tại hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các đô thị lớn ở Hà Nội đối mặt với những thách thức về môi trường, bất bình đẳng xã hội, gia tăng dân số. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa đã đạt tới điểm bão hòa về không gian có thể phát triển sẵn có. Vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách.
Do đó, theo ông Hùng, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, “thành lập thành phố thuộc thành phố”, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh bên cạnh các đô thị trung tâm và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ.
Ông Hùng phân tích rằng, “thành phố thuộc thành phố” sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi lẽ đó, tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD tại dự thảo luật là điểm đột phá nhưng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như “lý thuyết khuếch tán” được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ trục dọc, trục ngang để các thành phố thuộc thành phố Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Cùng chung quan điểm, PGS. TS Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bổ sung các điều khoản có tính pháp lý, tạo nền tảng, tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo, hòa bình của thế giới, đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Tùng, quy định phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài tạo thành một mạng lưới đô thị. Trong đó, mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới.