Giáo dục của Thủ đô phải 'khác hoàn toàn các địa phương khác'

Việt Thắng 01/08/2023 18:28

Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa.

Ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội; và trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học: “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi cần có không gian rộng hơn, trong đó có các điều luật về giáo dục đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”. Theo đó, cần chú trọng yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”.

“Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học để ai ai cũng được học hành, coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội”-ông Minh cho hay.

Bên cạnh đó, đề cập đến “giáo dục mũi nhọn”, ông Minh đề xuất cần củng cố và phát triển hệ thống trường chuyên, trường thực hành thuộc các trường đại học. Do Hà Nội là thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn, hàng năm số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Vì thế chương trình đào tạo cũng cần được chuẩn hóa từ nội dung, giảng dạy, kiểm tra, thi cử. Học sinh, sinh viên dù ở đâu?, đến học tại trường dù chỉ một lớp, một học phần cũng có thể được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Đây là nguồn nhân lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô sửa đổi quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả. Do đó cần bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô sửa đổi nhằm không chỉ đào tạo, mà còn thu hút, giữ chân nhân tài.

Bà Oanh cũng cho rằng, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị xác định rõ tinh thần Hà Nội phải đi nhanh, đi trước cả nước cho nên cần phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt là về biên chế, xây dựng chính quyền đô thị với những đột phá về mô hình, đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị.

Nhắc đến “đích đến là hoạt động thông suốt nhanh và hiệu quả”, bà Oanh đề nghị giảm bớt tổ chức trung gian, hướng tới chính quyền đô thị một cấp thống nhất, tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô chủ động, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của thành phố như về tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính và tạo ra cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực.

GS.TS Tạ Thành Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Y Hà Nội lưu ý, cần xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Qua đó có chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hằng năm của từng chuyên khoa tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.

Việt Thắng