Sông Hồng trong dòng chảy thời gian - Bài cuối: Cơ chế đặc thù cho đô thị bên sông

Phạm Sỹ (thực hiện) 02/08/2023 08:30

Để Hà Nội phát huy lợi thế đô thị ven sông Hồng thì việc áp dụng cơ chế đặc thù được xem là giải pháp hữu ích. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PV: Hà Nội chính thức ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Và mới đây đã cho phép 4 quận của thành phố nghiên cứu các bước về Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng”. Ý kiến của ông về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong việc phát huy vị thế của sông Hồng trong phát triển Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta cần có những cơ chế đặc thù để phát huy được những tiềm năng của sông Hồng. Điều thuận lợi là chúng ta đang sửa Luật Thủ đô cũng như nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của Hà Nội, với tư tưởng “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, và phương châm tăng cường phân cấp, phân quyền để Hà Nội đạt được những mục tiêu của mình.

Hà Nội hiện đang có khát vọng khai thác hệ thống sông Hồng để phát triển và tạo ra những khu vực ven sông đẹp mắt, văn hóa đa năng, nhưng vướng mắc về Luật Đê điều là một trong những rào cản lớn đối với thành phố. Để thực hiện khát vọng này, việc áp dụng cơ chế đặc thù có thể là một giải pháp hữu ích để Hà Nội phát huy lợi thế đô thị ven sông Hồng. Tuy nhiên, việc thiết lập cơ chế đặc thù cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ môi trường hiện hữu. Trong đó cần lưu tâm một số vấn đề.

Thứ nhất là điều chỉnh quy hoạch. Cơ chế đặc thù có thể cho phép điều chỉnh một số quy hoạch hiện có phù hợp với khát vọng phát triển ven sông Hồng của Hà Nội, dựa trên cơ sở thực hiện một cách cân nhắc và minh bạch để tránh tác động tiêu cực đến các bên liên quan.

Thứ hai là quản lý hợp tác giữa các quận, huyện. Một cơ chế đặc thù có thể tạo điều kiện cho các quận, huyện của Hà Nội hợp tác chặt chẽ hơn trong việc quản lý và phát triển các khu vực ven sông.

Thứ ba là đầu tư hạ tầng và bảo vệ môi trường, đảm bảo rằng việc phát triển không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái sông Hồng và cuộc sống của người dân.

Thứ tư là thúc đẩy đầu tư tư nhân để góp thêm nguồn lực với Nhà nước và thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tại khu vực này.

Cuối cùng, cũng cần nhấn mạnh rằng, việc hình thành cơ chế đặc thù để Hà Nội phát huy lợi thế đô thị ven sông Hồng là một quá trình phức tạp và cần sự tham gia của nhiều bên liên quan. Việc này đòi hỏi sự đồng thuận, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, cùng với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng và các nhà đầu tư.

Một thời sầm uất bên sông Hồng của làng gốm Bát Tràng. Ảnh: TL.

Một số ý kiến lo ngại khi xây dựng đô thị ven sông Hồng thì dễ đánh mất đi những giá trị văn hóa truyền thống, thưa ông?

- Theo tôi, Hà Nội cần có một chiến lược toàn diện và cân nhắc kỹ lưỡng để phát triển đô thị ven sông Hồng một cách bền vững, tạo dựng những không gian văn hóa đặc sắc mới, nhưng vẫn giữ vững và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Cần bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa truyền thống liên quan đến sông Hồng và khu vực ven sông như các công trình kiến trúc, làng nghề, lễ hội và những nét đẹp văn hóa độc đáo khác mà sông Hồng mang lại. Bên cạnh đó là khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo văn hóa đương đại, như các sự kiện nghệ thuật, triển lãm, biểu diễn, nghệ sĩ đường phố và các hoạt động nghệ thuật tương tác khác để mang đến những trải nghiệm văn hóa đa dạng cho người dân và du khách.

Mặt khác, Hà Nội có thể phát huy lợi thế về du lịch để tạo dựng các không gian văn hóa đặc sắc ven sông Hồng. Kết hợp giữa các di tích lịch sử và kiến trúc cổ với các khu vực vui chơi, nghệ thuật và giải trí sẽ tạo ra sự hấp dẫn và thu hút du khách đến khu vực này.

Nhìn chung các dự án phát triển ven sông Hồng nên được xây dựng và triển khai với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương thông qua việc lắng nghe ý kiến của người dân và đảm bảo sự tham gia của họ trong quyết định và thực hiện các dự án này.

Ông có thể nói rõ hơn về phát triển không gian sáng tạo mới trong trường hợp xây dựng đô thị bên sông Hồng?

- Để xây dựng không gian văn hóa ven sông Hồng, cần tận dụng và tôn vinh di sản văn hóa của khu vực ven sông, làm cơ sở tạo ra những không gian sáng tạo. Thành phố cũng cần tạo ra môi trường hỗ trợ cho nghệ sĩ và nhà sáng tạo để họ có thể phát triển và thể hiện tài năng của mình. Cần đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất cho các khu vực ven sông, đảm bảo rằng các không gian văn hóa có đủ điều kiện để phát triển và hấp dẫn người dân và du khách.

Các công trình kiến trúc, các công viên, nhà hát, phòng triển lãm và các thiết chế văn hóa khác nên được xây dựng, giữ gìn và phát huy một cách cẩn thận. Ngoài ra, các không gian văn hóa ven sông nên được thiết kế để trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu và thư giãn của người dân. Các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng nghệ thuật, và các khu vực giải trí khác có thể tạo ra sự sống động và kết nối cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nội cần tận dụng lợi thế của hệ thống sông Hồng để tạo ra những không gian văn hóa ven sông đa dạng và hấp dẫn bằng cách kết hợp di sản văn hóa truyền thống với sự sáng tạo và công nghệ hiện đại. Điều đó có thể thực sự mang lại ý nghĩa cho hiện tại và mai sau, giữ vững những giá trị văn hóa độc đáo trong bối cảnh phát triển đô thị đương đại, góp phần vào việc phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phạm Sỹ (thực hiện)