Rộng cửa đón khách
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người. Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người; gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước. Với việc đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu (năm 2023 đón 8 triệu khách du lịch) vì mùa cao điểm du lịch quốc tế là vào cuối năm.
Trong số khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với gần 1,9 triệu lượt (chiếm gần 1/3 lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 738.000 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 445.000 lượt.
Thông thường, lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp nhất là tháng 6, tháng 7 tăng dần. Cao nhất là vào tháng 11. Như vậy, có vẻ như “trái quy luật” khi tháng 7 này khách quốc tế đến Việt Nam tăng, đạt hơn 70% so với thời kỳ trước dịch năm 2019.
Nguyên nhân đầu tiên được cho là nhờ chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phía doanh nghiệp du lịch cũng như các địa phương cũng có kế hoạch đón khách. Hy vọng còn tăng thêm khi chính sách visa mới được thực hiện bắt đầu từ ngày 15/8, kéo dài thời hạn từ 30 lên 90 ngày.
Giới kinh doanh du lịch cho rằng, việc khách quốc tế tăng trong tháng 7 là dấu hiệu để du lịch Việt Nam thực sự hồi phục sau dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để du lịch bùng nổ thì còn nhiều việc phải làm. Trước hết là phải tạo được sự khác biệt trong thương hiệu du lịch quốc gia và sản phẩm. Doanh nghiệp du lịch cần đẩy mạnh chiến lược tiếp thị trực tuyến theo đặc thù ở từng thị trường.
Một trong những giải pháp được nhiều người cho rằng cần gấp rút triển khai là phát triển kinh tế đêm. Kinh tế đêm chắc chắn sẽ tạo được sự thích thú cho du khách, vì họ sẽ không “bỏ phí” thời gian chỉ để ở trong khách sạn mà còn được hòa vào cuộc sống của người dân địa phương. Về đêm, không khí dễ chịu, ánh đèn càng làm cho cảnh quan trở nên thú vị. Nếu xác định kinh tế đêm như một sản phẩm du lịch thì cần có sự đầu tư đầy đủ, trong đó yếu tố quan trọng là sự tham gia của người dân địa phương.
Tới nay, kinh tế đêm vẫn là điểm nghẽn của nhiều địa phương. Một đằng muốn mở ra để thu hút khách, tăng thu, mặt khác lại sợ khó quản lý, mất an ninh trật tự địa bàn vì việc mua bán cũng như các hoạt động khác diễn ra “thâu đêm”. Từ lo ngại ấy nhiều ý kiến cho rằng phát triển kinh tế đêm là lợi bất cập hại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các thành phố du lịch trên thế giới đều rất chú trọng tới hoạt động này. Vì thu hút lượng khách du lịch lớn cũng như mức độ chi tiêu của khách lớn, tăng ngân sách địa phương và nâng cao mức sống của người dân trong vùng.
Trở lại với dấu hiệu tích cực của du lịch Việt Nam qua số lượng khách quốc tế, cũng cần bình tĩnh để thấy rằng đó vẫn chưa thật sự thành công. Nếu so với Thái Lan: Trong cùng 7 tháng, họ đã đón 15 triệu khách quốc tế (Việt Nam chỉ hơn 1 triệu). Để làm được điều đó, ngoài những chiến dịch quảng bá rầm rộ thì Thái Lan còn thúc đẩy các loại hình du lịch mới, chú trọng vào các sản phẩm du lịch sức khỏe và y tế (đối tượng khách có khả năng chi trả cao).
Một cách nữa là họ “trải thảm đỏ” đón các đoàn làm phim quốc tế. Văn phòng Điện ảnh Thái Lan (TFO) cho biết, có 246 tác phẩm từ 32 quốc gia sử dụng Thái Lan làm địa điểm quay phim trong nửa đầu năm 2023, cao hơn hẳn so với 143 phim nước ngoài đã được quay ở Thái Lan trong cùng kỳ năm 2022. Được biết, Chính phủ Thái Lan có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà làm phim nước ngoài chọn nước này làm địa điểm quay phim. Quy trình cấp giấy phép cho các nhà làm phim nước ngoài đến Thái Lan quay phim cũng chỉ mất 3 ngày.
Về lĩnh vực này, điều kiện tự nhiên của Việt Nam không hề kém Thái Lan. Quan trọng là ở cơ chế, chính sách. Nếu “gỡ” được thì không chỉ thu lợi từ các đoàn làm phim mà thông qua những bộ phim ấy khách quốc tế sẽ đến với Việt Nam nhiều hơn.