Thị trường lớn, cơ hội lớn
Vương quốc Anh đã chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ ngày 16/7. Là một đối tác thương mại lớn, sự kiện Anh gia nhập CPTPP sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trước đó, nhờ UKVFTA (Hiệp định Thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh) doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có cơ hội đẩy mạnh tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ… sang thị trường này trên cơ sở ưu đãi thuế quan theo hiệp định song phương. Nay, tiếp tục trở thành một đối tác trong CPTPP, cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh càng lớn.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long, cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), CPTPP sẽ bổ sung thêm khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước. DN hai nước sẽ có điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả chuỗi cung ứng những mặt hàng chiến lược, từ đó, góp phần gia tăng tính tự chủ, tự cường của cả hai nền kinh tế.
Với dân số khoảng 68 triệu người, cùng nhu cầu phong phú đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người), Anh thực sự là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, gạo thơm, cá ngừ, mật ong... là những mặt hàng mà chúng ta có lợi thế lớn, các DN Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn khi xuất khẩu các sản phẩm nói trên đến thị trường này.
Nhiều DN xuất khẩu cũng bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu trước việc Anh tham gia CPTPP. Các DN Việt sẽ có thêm cơ hội lựa chọn ưu đãi theo FTA nào có lợi nhất, dễ áp dụng nhất trong quá trình xuất khẩu sang thị trường này.
Cơ hội cho DN Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu là rất lớn, tuy nhiên cũng cần nhận rõ không ít thách thức. Vương quốc Anh là thị trường có các tiêu chuẩn rất cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm cao… Do đó DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh, xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu bài bản để có thể vững chân ở thị trường này.
Theo ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), Anh là một thị trường khó tính nên nếu chinh phục được thị trường này thì hàng hóa của chúng ta cũng sẽ dễ dàng chinh phục được các thị trường khác. Tuy nhiên, để tiếp cận, các DN Việt Nam cần nhạy bén trong việc tuân thủ và đáp ứng các quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm, quy trình thủ tục kiểm soát hàng hóa, khai báo và nộp thuế… theo quy định của Anh. Đặc biệt, nông sản là ngành hàng xuất khẩu lớn, và cũng có nhu cầu lớn đối với thị trường Anh nói riêng, CPTPP nói chung. Cho nên để nắm bắt cơ hội, nông sản Việt cũng cần phải đáp ứng được các quy chuẩn toàn cầu hóa, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo ông Phương, Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn ở châu Âu và thế giới. Là một nước nằm ngoài khu vực châu Á Thái Bình Dương, lại tham gia CPTPP, điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc mở rộng thêm khu vực ảnh hưởng bao quát của CPTPP. Anh đã có hiệp định thương mại song phương với Việt Nam nay lại tiếp tục tham gia một hiệp định đa phương nên sẽ càng mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, tạo cơ hội để Việt Nam giao thương với các thị trường có độ mở lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến. Và đặc biệt quan trọng là mở cửa cho hàng nông sản vào được thị trường Anh. Tuy nhiên, để thành công, nông sản xuất khẩu phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn mà thị trường này đưa ra. Điều này đòi hỏi nông nghiệp của chúng ta phải chuyển từ nông nghiệp vô cơ sang nông nghiệp hữu cơ, nghĩa là chuyển từ nông nghiệp sử dụng nhiều phân bón hóa học sang nền nông nghiệp sạch, chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn.
Phải quyết tâm thực hiện được các yêu cầu về quy chuẩn và kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa thì khi đó muốn xuất khẩu sản phẩm đến thị trường nào cũng không khó.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khuyến cáo, tiếp cận thị trường Vương quốc Anh không đơn giản, trước hết các DN cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản qua đó đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì mở rộng thị phần. Cùng với đó, luôn chủ động được nguồn hàng chất lượng tốt, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu...