Cơ chế đột phá cho Thủ đô

H.Vũ 02/08/2023 07:20

Ngày 1/8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học: “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần những cơ chế thật sự đột phá để Thủ đô bứt phá.

Không gian hồ Gươm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Thủ đô, thời điểm này tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực và trong nước đã có sự thay đổi rõ rệt, với rất nhiều vấn đề mới đặt ra đã vượt qua các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 15 về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.

“Do đó việc hoàn thiện thể chế mà trọng tâm then chốt là hoàn thiện Luật Thủ đô là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội để Thủ đô bứt phá” - ông Sơn nói và cho rằng cần có cơ chế, tính đặc thù vượt trội trong Luật để Thủ đô phát triển.

Theo TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách. Do đó, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, “thành lập thành phố thuộc thành phố” thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh.

Ông Hùng phân tích, “thành phố thuộc thành phố” sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội. Bởi tính vượt trội, đặc thù cho Hà Nội, trong đó có các đô thị vệ tinh, nhất là thành phố thuộc Thủ đô cần phải được tính đến trong quy hoạch, quản lý và phát triển.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội bày tỏ, dự thảo luật lần này cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, theo ông Thuật để xây dựng quy hoạch thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững cần bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia góp ý kiến, giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô. Nhất là quan tâm cải tạo, nâng cấp các khu tập thể cũ mà không làm tăng mật độ dân số.

Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất, Luật Thủ đô sửa đổi phải bổ sung các điều khoản có tính pháp lý, tạo nền tảng, tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau. Thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo, hòa bình của thế giới. Đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ở góc độ khác, GS.TS Tạ Thành Vân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội lưu ý, cần xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Qua đó có chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hàng năm của từng chuyên khoa tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.

Nhấn mạnh việc “Hà Nội cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám, chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô”, ông Vân cũng đề xuất cần có một tư duy thống nhất, dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, chủ thể của xã hội tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được Hà Nội, ban soạn thảo, và các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời hoàn thiện dự thảo luật để trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước. Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo chung cư cũ” - ông Phong cho hay.

Ông Phong cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học sẽ góp ý thêm cho dự thảo luật. Qua đó đưa ra các đề xuất khả thi, có thực tiễn để giúp Hà Nội phát triển trong trung hạn và dài hạn, trở thành đô thị thông minh hiện đại, xanh, sạch đẹp, an ninh, an toàn.

H.Vũ