Kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh: Đầu tư tiền tỷ vẫn ô nhiễm
Mặc dù đã chi hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo song tới nay nhiều tuyến kênh rạch ở địa bàn TPHCM vẫn ở tình trạng ô nhiễm, tràn ngập rác thải gây ảnh hưởng môi trường nước và cả khu vực ven kênh. Nhiều nơi, chính quyền phải bỏ chi phí lớn để vớt rác.
Từng được coi là dòng kênh “kiểu mẫu” ở TPHCM, kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua địa bàn quận Tân Phú, quận 6, quận 11 được thành phố chi 5.000 tỷ đồng để cải tạo, xây đường bờ đê kè ven bờ, công viên, cây xanh… nhằm tạo không gian sống xanh mát cho người dân ven bờ kênh. Tuy nhiên, sau khi dự án với số vốn rất lớn trên hoàn thành, dòng kênh dài 7km này vẫn chưa thể trong xanh mà ngược lại vẫn ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, nhất là vào mùa khô.
Anh Nguyễn Văn Lượng, một người dân ở quận Tân Phú chia sẻ sau khi được cải tạo mấy năm trước, đường ven kênh khang trang, công viên cây xanh chuẩn kiểu mẫu khiến nhiều người dân rất vui. Nhưng, niềm vui không kéo dài được bao lâu khi dòng kênh nhanh chóng tái ô nhiễm vì mật độ cư dân lớn, người dân thiếu ý thức xả nước thải ra kênh, vứt rác bừa bãi... Chỉ có thời điểm 3 tháng mùa mưa, nước chảy nhiều thì kênh mới đỡ mùi hôi” - anh Lượng cho biết.
Ngoài rác thải sinh hoạt, kênh Tân Hóa - Lò Gốm còn bị ô nhiễm bởi lượng rác nhựa, xốp hay bèo tây… Các loại rác khó tiêu huỷ này gây cản trở dòng chảy, khiến dòng kênh tù đọng và tăng đáng kể ô nhiễm.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận 6 cho biết mặc dù tuyến kênh được xây dựng lại khang trang nhưng hiện chưa có nhà máy xử lý nước thải. Vì vậy nước thải sinh hoạt của người dân chảy thẳng ra kênh (qua các cống nhỏ) cùng nhiều hộ thiếu ý thức đổ trộm rác, nước thải khiến kênh bị ô nhiễm. Đặc biệt một số rác tích tụ khiến dòng chảy tù đọng làm cho tình trạng thêm trầm trọng. Hiện quận đang tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không xả thải trực tiếp ra kênh và phối hợp cùng các ban ngành nạo vét, khởi thông dòng chảy.
Không chỉ có tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm mà nhiều tuyến kênh rạch khác ở địa bàn TPHCM cũng chịu chung cảnh tái ô nhiễm. Đó là kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sông Sài Gòn… với các mức độ ô nhiễm khác nhau. Ở hầu hết các tuyến kênh rạch này đều có một công nhân môi trường làm nhiệm vụ vớt, xử lý rác thải trên kênh. Tuy nhiên, một số loại rác có thể vớt thì dễ xử lý nhưng nhiều loại chất thải, rác khác rất khó vì chúng chìm xuống lòng kênh.
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, vừa chấp thuận phương án thuê máy vớt rác làm sạch sông Sài Gòn đoạn từ ngã ba kênh Tẻ tới cầu Sài Gòn (dài 6,2km) với số tiền là 8,5 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng.
Mỗi năm chỉ một đoạn sông trên, thành phố mất khoảng 17 tỷ đồng chỉ để làm sạch rác thải. Được biết, các loại máy vớt và xử lý rác thải được thử nghiệm trên một số tuyến kênh rạch tại TPHCM đã phát huy nhiệu quả. Việc thành phố thuê các đơn vị xử lý rác thải này nhằm mang đến hiệu quả tốt hơn, trung bình mỗi ngày có thể vớt và xử lý khoảng 20-30 tấn rác.
Hiện nay, TPHCM đang tập trung thi công và chuẩn bị thi công nhiều dự án cải tạo kênh rạch với nguồn vốn rất lớn. Điển hình như dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên với nguồn vốn lên đến hơn 8.000 tỷ đồng hay cải tạo rạch Xuyên Tâm với số vốn hơn 9.600 tỷ đồng. Đây đều là dự án có nguồn vốn rất lớn với rất nhiều kỳ vọng khơi thông sạch các tuyến kênh rạch.
Thiết nghĩ, để các dòng kênh không bị ô nhiễm, ngoài sự vào cuộc của nhà quản lý, rất cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân hai bên bờ sông.