Xét xử vụ án vi phạm tại dự án mở rộng sân bay Điện Biên

Văn Thanh 02/08/2023 11:03

sáng nay (2/8), Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên toà xét xử sơ thẩm 9 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong quá trình thực hiện Dự án Sân bay Điện Biên.

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm và là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên theo dõi, chỉ đạo.

Các bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Tuấn Anh (SN 1977) - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ; Trần Thị Vân (SN 1978) - cựu Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai; Phạm Trung Kiên (SN 1984) - cựu Phó Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch; Trần Xuân Mạnh (SN 1984), Nguyễn Đình Hiệp (SN 1976) - cựu Phó Trưởng Phòng TNMT TP Điện Biên Phủ; Bùi Thị Ánh (SN 1967); Bùi Mạnh Cường (SN 1990) - nhân viên phòng TNMT; Trần Thị Hoà (SN 1985) - viên chức Trung tâm Quản lý đất đai và Nguyễn Thị Khương (SN 1965) - nhân viên hợp đồng Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ.

Ngoài 9 bị cáo, TAND tỉnh Điện Biên còn triệu tập 65 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian từ tháng 4 - 12/2021, khi tham gia thực hiện dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên, các bị cáo Nguyễn Thị Khương (nhân viên hợp đồng), Trần Thị Vân (cựu Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ), Nguyễn Tuấn Anh (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ) đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gây thiệt hại số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Các bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Phó phòng Tài chính kế hoạch UBND TP Điện Biên Phủ), Trần Xuân Mạnh (công chức), Nguyễn Đình Hiệp (cựu Phó phòng TNMT TP Điện Biên Phủ), Bùi Thị Ánh (công chức Phòng TN-MT TP Điện Biên Phủ) bị xác định đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gây thiệt hại số tiền gần 7 tỷ đồng.

Các bị cáo Nguyễn Thị Khương, Trần Thị Vân, Trần Thị Hòa thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại của Nhà nước gần 270 triệu đồng.

Tháng 10/2021, khi thực hiện dự án trên, bị cáo Bùi Mạnh Cường (công chức Phòng TN-MT TP Điện Biên Phủ) đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gây thiệt hại số tiền hơn 6 tỷ đồng.

VKSND nhận định đây là vụ án đồng phạm. Đối với hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, các bị cáo không có sự bàn bạc thống nhất khi thực hiện hành vi phạm tội. Đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Trần Thị Vân là người khởi xướng, 2 bị cáo còn lại là người thực hành trực tiếp hành vi phạm tội.

Theo VKS, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Cũng theo cáo trạng, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên đã ra Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, để thực hiện dự án Nâng cấp, cải tại Cảng hàng không Điện Biên.

UBND TP Điện Biên Phủ giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ (gọi tắt là Trung tâm) chủ trì thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.

Theo danh sách phân công, Nguyễn Thị Khương (người do Trung tâm thuê làm hợp đồng thời vụ từ 15/12/2020) được giao làm Trưởng nhóm VI thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các đối tượng có đất bị thu hồi, trong đó có diện tích của Công ty CP Chế biên nông sản Điện Biên (gọi tắt là Công ty).

Ngày 7/4/2021, UBND TP Điện Biên Phủ có Thông báo về việc thu hồi hơn 232.000m2 đất của Công ty để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Điện Biên.

Thời gian sau, phía Công ty có văn bản đề nghị UBND TP Điện Biên Phủ điều chỉnh diện tích thu hồi đất, cắm tuyến trên thực địa, kiểm đếm tài sản trên khu đất bị thu hồi, thông báo ngừng sản xuất để Công ty chủ động triển khai kế hoạch trồng lúa, tránh phát sinh đền bù công trồng dở dang, công bố quyết định thu hồi đất và phương án giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở đề nghị của Công ty, UBND TP Điện Biên Phủ tổ chức họp do Nguyễn Tuấn Anh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ) chủ trì để thống nhất về phương án bồi thường, hỗ trợ có liên quan.

Ngày 29/7/2021, Sở TN-MT tỉnh Điện Biên có Báo cáo số 163, báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia xử lý về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với Dự án trên, gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc.

Khi UBND tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo, phản hồi về những nội dung đề xuất trong Báo cáo 163 của Sở TN-MT, Nguyễn Tuấn Anh đã trực tiếp chỉ đạo Trần Thị Vân (không bằng văn bản) lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo chế độ đã được đề xuất trong Báo cáo 163.

Trần Thị Vân đã chỉ đạo Nguyễn Thị Khương lập, trình Vân ký Báo cáo, Tờ trình đề nghị thẩm định phương án theo 3 chế độ: bồi thường cây cối hoa màu, hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm.

Sau khi hồ sơ phương án chuyển đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, cán bộ thẩm định Trần Xuân Mạnh thấy số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 70 tỷ đồng và chưa có văn bản hướng dẫn nên đã trả lại hồ sơ cho Trung tâm.

Căn cứ vào tài liệu do Công ty cung cấp, Khương không thực hiện kiểm tra, xác minh đối tượng bị thu hồi đất có trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu ổn định trên diện tích bị thu hồi hay không; không thực hiện niêm yết công khai, không tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất…

Tuy nhiên, sau đó, Khương đã thuê người làm thêm viết bổ sung nội dung vào tờ khai, biên bản kiểm tra gốc, rồi chuyển cho Vân nhằm đưa lên các Phòng để thẩm định. Khi nhận lại hồ sơ, Trần Xuân Mạnh thấy không có một số tài liệu cần thiết, nhưng vẫn tiến hành thẩm định.

Tiếp đó, theo trình tự, các bị cáo đã trình Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ Nguyễn Tuấn Anh ký quyết định phê duyệt phương án dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ (đợt 31). Cụ thể, bồi thường về cây cối hoa màu trái quy định là gần 1,7 tỷ đồng; và hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất là hơn 16,5 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất trái quy định cho 17 công nhân, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 5,2 tỷ đồng.

Ngày 10/10/2021, Nguyễn Tuấn Anh chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy nhanh tiến độ lập, trình, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này được Vân nhắn tin thông báo cho Khương và yêu cầu Khương chuyển phương án bồi thường chi phí đầu tư vào đất của 48 công nhân nhận khoán đất của Công ty để ký trình thẩm định, nếu không thì Tuấn Anh dọa sẽ cắt hợp đồng.

Do bị thúc ép, Khương lấy tài liệu thu thập khi lập phương án đợt 31 (không thu thập thêm bất cứ tài liệu nào) chuyển qua cho Vân kiểm tra, ký duyệt. Bộ phận thẩm định cũng báo cáo việc này với Phó Chủ tịch và được lãnh đạo chỉ đạo, nhất trí cho phép trình để ký duyệt.

VKS xác định hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại của Nhà nước hơn 6,1 tỷ đồng.

Văn Thanh