Sở hữu kỳ nghỉ du lịch: Những cảnh báo cần thiết
Hình thức “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” thời gian gần đây được các công ty du lịch quảng cáo mạnh mẽ, được giới thiệu với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như chi phí tiết kiệm, thoải mái sang nhượng... Nhưng thực tế không phải vậy.
Tự nhiên được tặng kỳ nghỉ
Chị Hoàng Hồng Hạnh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, hồi tháng 3 chị nhận được điện thoại từ nhân viên tư vấn của công ty du lịch, nói rằng trong đợt kích cầu du lịch, chị là khách hàng may mắn được tặng chương trình nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại khách sạn 5 sao dành cho 2 người, đã bao gồm vé báy may khứ hồi ở địa chỉ có thể tùy ý lựa chọn là Đà Nẵng và Sa Pa. Đây là chương trình kết hợp với các hãng hàng không nên không lừa đảo.
Sau đó, nhân viên này liên tục nhắn tin và điện thoại hối thúc chị Hạnh cần đích thân đến công ty có văn phòng đặt ở tòa nhà số 1 Hoàng Cầu (quận Đống Đa) để nhận phần quà.
Để hiểu rõ hơn kỳ nghỉ miễn phí chị Hạnh đã đến văn phòng này. Tại đây, chị cũng gặp nhiều người, họ cho biết được tặng kỳ nghỉ dưỡng miễn phí giống mình. Chị được yêu cầu xuất trình giấy tờ cá nhân và có một nhân viên tư vấn riêng mời vào phòng chiếu những hình ảnh đẹp lung linh về những kỳ nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao, giới thiệu những đơn vị bao gồm hệ thống khách sạn và các hãng bay là đối tác của công ty. Sau đó nhân viên tư vấn quảng cáo ngay thẻ sở hữu kỳ nghỉ du lịch 7 ngày 6 đêm ở khách sạn 5 sao được công ty độc quyền khai thác với các mức giá từ 80 triệu đến 200 triệu đồng với điểm chính gạch đầu dòng: nghỉ ở khách sạn 5 sao mà giá chỉ dao động 3 triệu đồng/đêm - quá rẻ; vé máy bay luôn được giảm 10- 20% - quá rẻ; có thể chuyển sang đi du lịch nước ngoài - quá thuận tiện; có thể tặng lại kỳ nghỉ cho bạn bè, người thân - quá ý nghĩa.
Lắng nghe, chị Hạnh hỏi nhân viên ở đây vậy làm sao để chị được nhận quà tặng miễn phí 3 ngày 2 đêm bao gồm khứ hồi máy bay, thì nhận được câu trả lời: Chị về suy nghĩ về thẻ du lịch bên em, rồi kết bạn zalo với em để em gửi quần quà.
“Cuối cùng, mất cả chiều để ngồi nghe thẻ sở hữu kỳ nghỉ nhưng tôi công cốc không nhận được kỳ nghỉ nào. Chưa kể từ đó đến giờ tôi còn thường xuyên nhận được điện thoại từ các công ty du lịch khác mời chào nữa” - chị Hạnh cho biết.
Một trường hợp khác, cũng là nạn nhân từ các cuộc gọi mời trải nghiệm du lịch ở TPHCM chia sẻ, do gia đình thường đi du lịch nên khi nghe nhân viên tư vấn giới thiệu các sản phẩm kỳ nghỉ của công ty và lợi ích của hợp đồng du lịch này nên đặt bút ký mua ngay. Cụ thể, lợi ích của hợp đồng du lịch này là được đi nghỉ dưỡng tại các khách sạn 5 sao có liên kết như: quần thể nghỉ dưỡng FLC (Hạ Long, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vĩnh Phúc), Naman Retreat (Đà Nẵng), Coco Ocean Resort (CocoBay), Ocean Vista (Sea Links Phan Thiết), Wyndham (Legend Hạ Long, Soleil Đà Nẵng, Garden Phú Quốc, BeauRiage Nha Trang, Hồ Tràm...). Đặc biệt, chính sách sử dụng hợp đồng của công ty cũng khá linh hoạt, có thể chọn thời gian nghỉ, quy đổi ra du lịch nước ngoài.
Song khi vị khách này chưa lần nào được trải nghiệm những chuyến du lịch nghỉ dưỡng từ hợp đồng đã ký với HFV vì những lý do như: đặt phòng khách sạn nhưng không hợp lệ do đặt muộn; đặt khách sạn ưng ý thì hết phòng...
Rủi ro thuộc về người mua
Mới đây Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng đã chính thức lên tiếng về kỳ nghỉ du lịch, chỉ ra một số nội dung về sự thiếu rõ ràng trong các điều khoản về quyền lợi của bên mua trong một số hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.
Cụ thể, nhóm điều khoản liên quan đến nghĩa vụ tài chính của khách nghỉ dưỡng. Như, ngoài giá trị hợp đồng được thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách nghỉ dưỡng sẽ có nghĩa vụ thanh toán cho công ty mỗi năm và hàng năm khoản phí thường niên theo quy định. Hay, “bên cạnh và độc lập với khoản thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán phí duy trì hợp đồng hàng năm để phục vụ cho việc cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng của khách hàng. Doanh nghiệp/hoặc đơn vị quản lý có toàn quyền xác định mức phí này dựa trên danh mục các dịch vụ và chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng được cung cấp và sẽ thông báo cho khách hàng vào cuối năm liền trước năm sử dụng dịch vụ tiếp theo. Khách hàng có nghĩa vụ hoàn thành khoản phí này trước khi sử dụng dịch vụ nghỉ dưỡng”.
Theo các điều khoản nêu trên, có thể thấy, bên cạnh khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng (khoảng vài trăm triệu đồng), khách nghỉ dưỡng còn phải thanh toán chi phí hàng năm (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) để sử dụng quyền nghỉ dưỡng trên thực tế. Trong khi đó, khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan lại không được quy định cụ thể trong các điều khoản nêu trên, ví dụ: Thiếu các quy định về mức phí cụ thể hay giới hạn hoặc nguyên tắc thu, thay đổi phí tại thời điểm giao kết hợp đồng và trong suốt thời hạn hợp đồng; thiếu quy định về tiêu chuẩn, chất lượng các dịch vụ nghỉ dưỡng được cung cấp; thiếu cơ chế phân bổ từ khoản tổng dự toán tổng, tổng hoạch toán đến từng loại căn hộ và từng khách nghỉ dưỡng… Đồng thời, các điều khoản nêu trên chỉ quy định về nghĩa vụ đóng chi phí hàng năm này của khách nghỉ dưỡng mà không quy định nghĩa vụ tương tự đối với bên cung cấp dịch vụ tính trên số tuần nghỉ dưỡng mà bên đó chưa bán hoặc không bán.
Thậm chí, các điều khoản còn thể hiện quyền xác định mức chi phí hàng năm và các vấn đề có liên quan (như: Dịch vụ nghỉ dưỡng, chất lượng dịch vụ, hạng mục các chi phí được hoạch toán vào tổng chi phí chung dùng để phân bổ cho từng khách nghỉ dưỡng…) thuộc về doanh nghiệp công ty/hoặc đơn vị công ty quản lý trong suốt thời hạn hợp đồng.
Từ các quy định thiếu rõ ràng, các điều khoản hợp đồng đã trao cho công ty quyền đưa ra các tính toán nhằm tối ưu hóa quyền lợi của mình tùy từng thời kỳ và đẩy bất lợi lẫn rủi ro về phía khách nghỉ dưỡng.
Nhìn chung, đây là hình thức du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên và khá phổ biến trên thế giới.
Hình thức này được triển khai tại Việt Nam rầm rộ hơn 2 năm nay, được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường. Tuy nhiên khi khách hàng mua rồi mới bị vỡ mộng, thậm chí mất tiền oan.
Cơ quan công an cho biết thời gian qua nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết; phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền… Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”. Đặc biệt cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.