Cần cơ chế để tuyển đủ giáo viên mầm non

Thu Hương 03/08/2023 06:58

Năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên, nhiều giải pháp đã được triển khai trong đó có đề xuất, xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc để cân nhắc các vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu.

Cần cơ chế tuyển đủ giáo viên mầm non. Ảnh: TL.

So với năm học 2021-2022, số giáo viên mầm non thiếu của năm học 2022-2023 tăng thêm 7.887 người. Nguyên nhân chính dẫn đến con số này là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh, hiện còn 45 địa phương chưa đạt chỉ tiêu về huy động trẻ đến 2025. Trong đó, theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng gần 500.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; còn gần 800.000 trẻ em mầm non đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tới trường, chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non. Nếu những trẻ này được huy động đến trường đầy đủ, con số 51.300 giáo viên mầm non thiếu của năm học 2022-2023 dự báo sẽ còn tăng lên.

Mặc dù hàng năm các địa phương đều tuyển mới giáo viên song thực tế cũng ghi nhận một bộ phận giáo viên nghỉ hưu và nghỉ việc. Năm học 2022 - 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc. Trong đó, số lượng giáo viên mầm non chiếm tỉ lệ không nhỏ bởi so với những cấp học khác, thời gian làm việc của giáo viên mầm non trung bình là từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều, làm liên tục không có thời gian nghỉ… và tính chất công việc phải chịu trách nhiệm lớn khi chăm sóc, đảm bảo an toàn cùng lúc cho mấy chục cháu nhỏ.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang đồng thời triển khai nhiều giải pháp, như thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố; đổi mới Chương trình giáo dục mầm non; phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư. Đồng thời đầu tư phát triển mạng lưới, cơ sở vật chất; chính sách phát triển đội ngũ, có cơ chế, giải pháp đào tạo, tuyển dụng đủ giáo viên mầm non theo quy định…

Tại Hội thảo tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ em con công nhân ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất mới đây, Bộ GDĐT và đại diện các địa phương đang kiến nghị xem xét có cơ chế phù hợp cho phép các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi được ký hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non bằng nguồn xã hội hóa.

Về phía các địa phương hiện cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ, thu hút đội ngũ giáo viên mầm non. Tại tỉnh Hải Dương, giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng. Dẫu vậy, việc thu hút nguồn nhân lực đầu vào đối với giáo dục mầm non được các địa phương khẳng định là khó khăn mọi mặt.

Hiện, Bộ GDĐT đang tiếp tục rà soát, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục năm học 2023 - 2024. Bộ GDĐT cũng đề nghị các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GDĐT đang tham mưu với Chính phủ thực hiện một số chính sách như: Đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên làm việc ở các điểm trường khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng phối hợp với Bộ Lao động thương binh và xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc để xem xét các vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, Bộ GDĐT đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý đến các chính sách đối với nhà giáo khó khăn vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

Thu Hương