Phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
PV: Ông đánh giá như thế nào về Quyết định 899 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được ban hành?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 899 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó chú trọng xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước tại các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số.
Như vậy, trước kia tại Nghị định 140, chúng ta thu hút và tạo nguồn cán bộ thì bây giờ như Quyết định 899 đã nâng thêm một bước, đó là trọng dụng nhân tài. Đây là vấn đề rất phù hợp. Vừa qua chúng ta nói nhiều đến trọng dụng nhân tài và Quốc hội cũng yêu cầu phải thu hút, trọng dụng nhân tài thì bây giờ chúng ta phải có cơ chế, chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài.
Ông có thể nói rõ hơn việc tìm kiếm nhân tài được tập trung vào các nhóm nào?
- Tôi đã tham gia góp ý vào Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về vấn đề học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc thì đã phải là nhân tài chưa? Theo tôi phải là học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc và cũng phải có công trình nghiên cứu khoa học. Tốt nghiệp xuất sắc có nghĩa là có nền tảng chứ không phải 100% tốt nghiệp xuất sắc đều ra làm việc xuất sắc cả. Do đó các em học sinh, sinh viên cũng cần có những sản phẩm cụ thể, bởi nhiều em ngay từ năm thứ 2 đã có các công trình nghiên cứu và nhiều doanh nghiệp đã đến đặt hàng trước. Cho nên cần lưu ý đến thu hút các em sinh viên đã nghiên cứu khoa học và có các sản phẩm cụ thể.
Đặc biệt như nhóm những người có học vị, học hàm tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cần phải có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn.
Chính sách thu hút nhân tài của chúng ta trước đây chưa đạt kết quả như mong muốn. Vậy đối với lần này, ông có khuyến nghị gì?
- Vấn đề quan trọng không chỉ là phát hiện, thu hút, mà phải trọng dụng nhân tài như thế nào, môi trường làm việc ra làm sao, bố trí công việc sao cho phù hợp và tạo điều kiện làm việc cho họ, thậm chí có thể bổ nhiệm và trao cho họ quản lý một vị trí chiến lược nào đó.
Nhưng làm sao để khuyến khích, tiến cử nhân tài bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ thưa ông?
- Theo tôi, các cơ quan có trách nhiệm cần phát hiện, tiến cử và phải chịu trách nhiệm về việc tiến cử của mình. Các cơ quan có nhu cầu “muốn nhận người tài” cũng phải bố trí đúng ngành nghề, đúng vị trí việc làm. Tất nhiên khi cần vị trí việc làm thì mới tuyển dụng nhân tài vào vị trí đó. Nhưng cái chính như tôi nói ở trên là sau khi tuyển dụng thì phải trọng dụng họ ra sao. Từ bố trí công việc, tạo điều kiện thế nào, môi trường làm việc ra sao? Có bổ nhiệm để giữ vị trí quản lý hay không? Chế độ lương như thế nào?
Ví dụ tại TP Hồ Chí Minh cho phép lương cao hơn nhưng không quá 1,8 lần mức lương quy định của nhà nước. Tại Hà Nội, theo tôi, lương cũng phải cao hơn, nhưng không được quá 2 lần. Hoặc có thể lương cũng phải theo cơ chế thoả thuận. Tại TPHCM từng có thời điểm lương thoả thuận đến 100 triệu đồng/tháng. Cho nên, phải có cơ chế chính sách cụ thể hơn. Thu hút nhân tài nhưng không có điều kiện để phát huy sử dụng, trân trọng và quan tâm đặc biệt đối với họ thì không được. Phải tạo điều kiện cho họ phát huy, sử dụng và trân trọng họ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến hết tháng 6 năm 2024, 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế. Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới. Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm. Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.