Góc khuất đằng sau 'Việc nhẹ, lương cao' ở nước ngoài- Bài cuối: Không có cơ hội đổi đời dễ dàng
Để đưa được các công dân Việt Nam bị lừa ra nước ngoài lao động trái phép về nước, những cán bộ bảo hộ công dân phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, xử lý khối lượng lớn công việc, trình tự, thủ tục phức tạp từ giải cứu, đến xác minh, hỗ trợ, thu xếp cho công dân về nước. Rất nhiều thách thức, khó khăn đang còn ở phía trước.
Đưa lao động về nước - khó khăn, phức tạp
Hiện nay, với chính sách nhập cảnh cởi mở, công dân ta có thể đi lại giữa các nước ASEAN mà không cần thị thực. Các đường dây tội phạm đã lợi dụng điều này để đưa công dân ta ra nước ngoài lao động phi pháp. Tham gia vào các chuyến đi như vậy, công dân sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vì việc miễn thị thực nhập cảnh chỉ có thời hạn ngắn, không áp dụng cho người nhập cảnh với mục đích lao động. Như vậy họ không thể đăng ký cư trú hay giấy phép lao động hợp pháp, cũng không được các cơ quan chức năng sở tại bảo vệ quyền lợi. Một rủi ro nữa là việc bị các cơ sở làm việc khống chế, thu giữ hộ chiếu, mất tự do, lâm vào cảnh lao động cưỡng bức phi pháp, bị trục xuất thậm chí phạt tù khi bị phát hiện.
Ra đi thì dễ dàng như vậy nhưng để được giải cứu, đưa về nước khi công dân bị phát hiện làm lao động bất hợp pháp hoặc thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc lại rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi nhiều trình tự, thủ tục.
Thứ nhất, do những người lao động này thường không làm thủ tục đăng ký với cơ quan đại diện ta ở sở tại trước đó, việc nắm bắt tình hình khi có vụ việc phát sinh gặp khó khăn.
Thứ hai, nhiệm vụ tiếp cận, giải cứu công dân bị giam giữ trong các cơ sở làm việc tập trung quả thật không dễ dàng. Có nơi là những tòa nhà kiên cố với hàng rào, bảo vệ. Càng gian nan hơn với các trường hợp bị giam giữ ở các khu vực mà lực lượng chức năng sở tại không quản lý thường xuyên như khu vực biên giới, khu vực ly khai hay khu kinh tế mở khuyến khích các loại hình cờ bạc.
Thứ ba, các trình tự, thủ tục bảo hộ công dân sau đó đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng trong nước và sở tại. Cán bộ phải trực tiếp phỏng vấn công dân được giải cứu, rà soát giấy tờ, xác minh nhân thân, lên danh sách. Trong khi chờ đợi, cơ quan đại diện bố trí chỗ ăn ở tạm thời, vừa giúp đỡ vật chất vừa động viên tinh thần đối với các công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật và tìm nguồn ngân sách đưa công dân về nước... Một số nước sở tại có cơ chế xử lý phức tạp, thời gian thực hiện bị kéo dài hàng tuần, có khi cả tháng.
Thứ tư, việc thuyết phục các nước không áp dụng chế tài đối với công dân Việt Nam vì vi phạm quy định về cư trú, lao động cũng phức tạp, nhất là khi công dân làm việc cho các sòng bạc, cho dù là bị lừa đảo. Cá biệt, một số người còn đồng thời là thủ phạm của các hành vi lừa đảo. Cơ chế và các tiêu chí xác định nạn nhân mua bán người có sự khác biệt, dẫn đến khó khăn khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ công dân sau giải cứu. Trong số hàng chục nghìn người được đưa về nước trong năm 2022 và đầu năm 2023, chỉ vài chục người được chính thức xác nhận là nạn nhân của tội phạm mua bán người và được hỗ trợ theo tiêu chuẩn.
Vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết tận gốc
Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã rất nỗ lực, đạt được một số kết quả trong việc hỗ trợ, giải cứu, đưa về nước nhiều công dân, công tác này thực tế vẫn chỉ là phần “ngọn”, theo sự vụ và bị động. Để giải quyết vấn đề công dân bị lừa ra nước ngoài cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Ngoại giao đã báo cáo, tham mưu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng này. Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan đến tình trạng di cư trái phép và lao động bất hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong khu vực theo sát diễn biến, phối hợp với các cơ quan sở tại thống kê số lượng công dân Việt Nam nhập cảnh, làm việc, chủ động lường trước các phương án bảo hộ công dân và tăng cường nắm tình hình thông qua các hội/đoàn người Việt Nam ở sở tại; tăng cường trao đổi với các nước, tổ chức quốc tế về tình hình, đề xuất biện pháp xử lý tình trạng này qua các kênh song phương, đa phương. Với vai trò chủ trì thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (GCM), Bộ Ngoại giao đã xây dựng Biểu mẫu thống kê số liệu di cư quốc tế, đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, thống kê để phối hợp theo dõi, quản lý.
Lưu ý cho công dân có ý định làm việc ở nước ngoài
Thứ nhất, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các lời mời chào ra nước ngoài “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại, không đòi hỏi về bằng cấp, ngoại ngữ trên mạng xã hội, kể cả người quen giới thiệu; tìm hiểu thật kỹ về nơi định đến làm việc, mô tả công việc và các thông tin liên quan; nên tham khảo ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp; cung cấp thông tin cho người thân về nơi dự kiến làm việc, công việc, người cùng đi... trước khi quyết định xuất cảnh.
Thứ hai, người dân nên lưu và ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước mình đến làm việc và số Tổng đài Bảo hộ công dân, chủ động liên hệ ngay khi có vấn đề phát sinh.
Thứ ba, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, tội phạm mua bán người của các đối tượng, đường dây đưa người đi nước ngoài làm việc, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.