Loạt doanh nghiệp 'ôm' hàng nghìn tỷ gửi ngân hàng

Văn Thanh 03/08/2023 11:44

Với lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lên đến cả tỷ USD, nhiều doanh nghiệp nhận về nguồn lãi không hề nhỏ mỗi tháng.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa có "động lực" để bứt phá trở lại, việc kinh doanh của đa số ngành nghề còn khó khăn, không ít doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt tương đối "khủng" lựa chọn phương án gửi ngân hàng.

VEAM

Nguồn: BCTC VEAM
Nguồn: BCTC quý II/2203 công ty mẹ VEAM

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ vừa công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, MCK: VEA) trong quý II/2023 ở mức gần 81 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu giảm sâu khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 5,5 tỷ đồng, giảm 69%. Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 295 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết ở mức 1.570 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của VEAM đạt 1.808 tỷ đồng, tăng 4% so với mức thực hiện quý II/2022.

Mặc dù sụt giảm doanh thu nhưng lãi từ tiền gửi ngân hàng là một trong những yếu tố giúp VEAM vẫn có mức lợi nhuận quý II/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tính tới cuối quý II/2023, VEAM sở hữu 14.142 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và 3.144 tỷ đồng đầu tư dài hạn.

Toàn bộ khoản đầu tư ngắn hạn là tiền gửi ngân hàng (chiếm 54% tổng tài sản), trong đó, công ty có 6.666 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, 2.135 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, 2.053 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á…

Với mục đầu tư dài hạn, công ty có 2.656 tỷ đồng đầu tư vào công ty con và 707 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết.

FPT

Một "ông lớn" khác cũng sở hữu lượng lớn tiền mặt và tiền gửi trong cơ cấu tài sản là Công ty CP FPT (MCK: FPT).

Tính đến cuối quý II/2023, FPT có tổng tài sản đạt 60.557 tỷ đồng, tăng gần 9.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và các khoản tương đương tiền 6.236 tỷ; tiền gửi các kỳ hạn 20.469 tỷ đồng.

Trong phần thuyết minh BCTC, công ty đã ghi nhận thêm 7.400 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn so với mức 13.035 tỷ hồi đầu năm.

Nhờ khoản tiền gửi "khổng lồ" này, FPT nhận về 753 tỷ tiền lãi trong nửa đầu năm 2023, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, tính đến hết nửa đầu năm 2023, FPT có tổng nợ gần 32.000 tỷ, tăng 21% từ đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 19.544 tỷ, tăng 58% so với đầu năm. Nợ vay tăng vọt khiến chi phí lãi vay trong nửa đầu năm tăng 37 tỷ đồng, lên 360 tỷ đồng.

Thế giới Di Động

Nửa đầu năm 2023 là giai đoạn MWG giữ lượng tiền mặt nhiều kỷ lục.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 29.500 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi ròng của MWG vỏn vẹn 17,4 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất từ trước đến nay của "ông lớn" ngành bán lẻ này.

Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 6/2023, lượng tiền mặt và gửi ngân hàng của doanh nghiệp này tăng mạnh lên mức 24.470 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với thời điểm đầu năm. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ điện máy này giữ lượng tiền mặt nhiều kỷ lục.

Trong số đó, MWG mang gần 20.980 tỷ đồng đi gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn để hưởng lãi suất, tăng gấp đôi so với mức 10.069 thời điểm đầu năm.

Trong nửa đầu năm 2023, Thế Giới Di Động có doanh thu hoạt động tài chính ở mức gần 944,5 tỷ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước; trong đó phần lớn đến từ tiền lãi gửi ngân hàng.

Khoản tiền lãi đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh giúp doanh nghiệp bán lẻ này thoát lỗ trong bán niên 2023.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, không ít công ty khác cũng ghi nhận khối lượng tiền mặt, tiền gửi trong nửa đầu năm 2023 ở mức "khủng" như: Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (17.815 tỷ đồng), Công ty CP Hàng không VietJet (2.165 tỷ đồng); Tập đoàn Hòa Phát (36.100 tỷ đồng), Sabeco (22.381 tỷ đồng); Vinamilk (20.650 tỷ đồng); ...

Văn Thanh