Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á? - Bài 2: Hệ lụy quanh dự án treo
Mùa mưa, hàng nghìn hécta đất sản xuất ngập trong nước lũ, đồng ruộng sình lầy, xói lở. Mùa nắng, đồng khô, cỏ cháy, cát bụi mù mịt. Nguồn nước nhiễm phèn, tụt nước ngầm. Đất ở không được cấp; tài sản đã kiểm đếm nhưng không được đền bù; lao động không có việc làm; hạ tầng không được đầu tư xây dựng…Đó là hàng loạt hệ lụy từ Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đeo đẳng người dân của 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhiều năm qua.
Cuộc sống bí bách
Ở mảnh đất “mưa úng đất, nắng nẻ trời” này để mưu sinh được đã khó, sống giữa dự án treo thời gian dài càng chật vật hơn. Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê sau khi bóc đất tầng phủ đã “treo” suốt 12 năm qua, những gì người dân 5 xã bãi ngang thuộc huyện Thạch Hà phải chịu đựng đủ để đánh giá Dự án “mất nhiều hơn được”.
Từ TP Hà Tĩnh xuống các xã bãi ngang huyện Thạch Hà, chỉ đi chưa đầy chục km, chúng tôi đã cảm nhận được sự khác biệt giữa phố thị đông đúc với vùng quy hoạch treo. Bước chân đến vùng bãi ngang của mỏ sắt Thạch Khê mới thấy hết sự khó khăn, vất vả, hệ lụy do Dự án này để lại.
Vùng đất ở 5 xã bãi ngang Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Hải, Đỉnh Bàn của huyện Thạch Hà vốn là nơi thơ mộng, trữ tình với nhiều lợi thế phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, du lịch, kinh doanh - thương mại - dịch vụ. Thế nhưng, kể từ khi Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê triển khai và tạm dừng đến nay, vùng đất với nhiều tiềm năng này thay đổi hoàn toàn theo hướng… thụt lùi.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Vạn (83 tuổi) - gia đình chính sách, thôn Đại Hải, xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) nằm lọt thỏm giữa đồi cát trắng. Mùa nắng, ngôi nhà dính đầy cát bụi. Mùa mưa, nước bẩn tràn vào lấp hết sân vườn. Cả gia đình bà Vạn có 4 thế hệ với 15 người cùng sống trong 1 căn nhà rộng.
Trước câu hỏi “cuộc sống của gia đình từ khi có Dự án mỏ sắt Thạch Khê đến nay như thế nào” - ông Nguyễn Văn An (con trai bà Vạn) lắc đầu nói: Chúng tôi sống chật vật lắm. 3 đứa con trai tôi đều lấy vợ, sinh con cả rồi nhưng tôi đề xuất cấp đất, tách hộ để xây nhà cho con, cháu ở suốt 12 năm nay không được. Cả gia đình 15 người chung sống thế này hết sức bất tiện, nhất là vào ngày lễ, tết.
Theo ông An, ông muốn cải tạo vườn, hạ độ cao đồi cát để san mặt bằng, xây nhà cho con ra ở riêng nhằm giảm bớt căng thẳng trong gia đình nhưng do nằm trong vùng quy hoạch nên không được. “Nước nôi nhiễm phèn, ruộng không cấy được lúa, hoa màu làm được 1 mùa, đánh bắt thủy sản chẳng ăn thua. Không chỉ cuộc sống của gia đình tôi mà cả mấy xã ảnh hưởng của mỏ sắt hàng chục năm nay luôn trong tình trạng bức bách, khổ sở” - ông An nói.
Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Thuấn (53 tuổi, thôn Đại Hải) cùng chung cảnh ngộ khi đi không được, ở cũng không xong. “Ngày Tết, vợ chồng các con tề tựu về đây, 3 cặp gia đình chia nhau 2 phòng ngủ, tôi phải làm tạm cái giường xép bên ngoài để nằm” - bà Thuấn buồn bã kể.
Nói về hệ lụy từ Dự án mỏ sắt Thạch Khê, ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải chia sẻ: Thạch Hải là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 100% hộ dân phải di dời để nhường đất cho dự án với 1.047 hộ, hơn 3.600 nhân khẩu nhưng đến nay chưa di dời được hộ dân nào. Bãi thải của Dự án mấy năm nay vùi lấp khoảng 28ha đất sản xuất của người dân, vào mùa mưa, sạt lở xảy ra thường xuyên khiến 24ha đất của thôn Nam Bắc Hải, Thượng Hải bị ảnh hưởng. Nước, bùn, cát tràn vào nhà dân. Năm nào địa phương cũng phải huy động nguồn lực để gia cố lại bờ bao bãi thải.
“16 năm nay không được cấp đất ở nên toàn xã có hơn 200 hộ dân phải sống chật vật, chen chúc trong một nhà với 3-4 thế hệ. Hơn 400 người trong độ tuổi lao động không có việc làm. Ở xã giờ chỉ toàn người già và trẻ nhỏ còn lao động phải đi làm ăn xa. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ngân sách xã không có nguồn thu, kinh doanh du lịch đình trệ…” - ông Lý nói.
Đồng khô, cỏ cháy
Giữa cái nắng chói chang, chúng tôi theo chân ông Dương Đức Duyệt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hải đến vùng “đất chết” ở gần bãi thải Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Dừng chân cách bãi thải khoảng 300m, ông Duyệt cho hay, trước khi Dự án triển khai, đây là vùng đất 2 lúa màu mỡ, nông dân Thạch Hải tuy không giàu nhưng lúa gạo đủ ăn quanh năm. Giờ đất sản xuất bị cát lấp, xói lở, tụt nước ngầm, hệ thống kênh mương thủy lợi xuống cấp, một năm nông dân chỉ có thể trồng 1 vụ lạc. Không thể cầm cự được nên nhiều hộ dân phải rời bỏ quê hương để mưu sinh nơi đất khách quê người. Ông Duyệt vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi những căn nhà để hoang bên đường.
Không chỉ xã Thạch Hải mà xã Đỉnh Bàn - nơi đặt trụ sở Xí nghiệp khai thác mỏ TIC cũng chịu những hệ lụy dai dẳng của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Nhắc đến sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Ngô Văn Ngọc - Bí thư Đảng ủy xã Đỉnh Bàn phải thốt lên: Đồng khô, cỏ cháy là tình trạng chung của địa phương suốt hơn 2 thập kỷ qua. Ruộng đồng của người dân bị “sa mạc hóa”, nước sinh hoạt nhiễm phèn vượt ngưỡng cho phép, nhiều năm vướng quy hoạch, địa phương không làm được gì để cải thiện đời sống người dân. Tâm lý bà con luôn ở trong tình cảnh lo lắng.
Theo ông Ngọc, xã có 106 hộ dân phải tái định cư nhưng mới chỉ có 66 hộ dân đến ở, còn 43 hộ chưa di dời do khu tái định cư chưa hoàn thiện. Các hộ dân đã lên khu tái định cư nhưng không thể an cư do ở đó chỉ có đất ở, không có đất sản xuất nên một số hộ bất đắc dĩ phải quay về nơi ở cũ để mưu sinh. Ngoài ra, người dân trong xã còn có 17ha đất nông nghiệp đã kiểm đếm 3 lần chưa được đền bù, khoảng 700 ngôi mộ bị ảnh hưởng. Toàn xã có trên 100 hộ có nhu cầu tách hộ nhưng không được cấp đất, việc này khiến người dân rất bức xúc...
Theo UBND huyện Thạch Hà, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê triển khai dang dở nên nhiều khu vực đất đai, tài sản, mồ mả của người dân mặc dù đã được kiểm đếm nhưng chưa được bồi thường, hỗ trợ. Người dân 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà ở trong tình trạng “đi không được, ở không xong” là bởi họ bị nhốt trong “vòng kim cô” của Dự án.
Kế hoạch của Dự án, đến năm 2013, Dự án phải giải phóng mặt bằng hơn 3.800ha, gần 4.000 hộ dân phải di dời nhưng đến nay mới bồi thường, hỗ trợ 830ha. Chủ đầu tư TIC đã thực hiện đền bù cho 3.000 lượt hộ, trong đó 109 hộ dân phải tái định cư nhưng mới chỉ có 66 hộ di dời tái định cư. TIC phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và lập phương án di dời cho 8.936 ngôi mộ nhưng đến nay vẫn còn hơn 5.700 ngôi mô chưa cất bốc…
“Đừng để nhân dân vùng mỏ sắt Thạch Khê bị bỏ lại phía sau là mong muốn của phần lớn cử tri, nhân dân các xã bãi ngang trong các cuộc tiếp xúc cử tri luôn làm cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Thạch Hà trăn trở. Trước mắt, trong trường hợp chưa có quyết định dừng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đề nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho các xã vùng mỏ sắt, bởi người dân chịu khổ quá nhiều và quá lâu rồi” - ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà chia sẻ.
(Còn nữa)