Phát triển điện áp mái gặp nhiều rào cản
Việc lắp đặt, sử dụng điện năng lượng mái nhà (điện áp mái) được Nhà nước khuyến khích đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, tại Nghệ An việc thực hiện chủ trương này gặp khá nhiều rào cản khi các văn bản pháp lý chưa đầy đủ.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An, đến cuối năm 2020, địa phương này có 790 hệ thống điện áp mái được lắp đặt, đấu nối vận hành thương mại, ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất lắp đặt gần 92MWp (tương đương trên 73,5MW). Trong số đó, có 696 hệ thống có chủ đầu tư là hộ cá thể, 25 hệ thống đặt trên các trang trại nông nghiệp, 52 hệ thống các công trình công nghiệp và 17 hệ thống công trình dân dụng của doanh nghiệp có công suất từ 100KWp trở lên. Tổng công suất của 790 hệ thống là 85,6MWp.
Tại huyện Nam Đàn, hiện có 5 chủ đầu tư có hệ thống điện áp mái, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (áp mái nhà của các trang trại chăn nuôi, trồng trọt…). Mặc dù các trang trại lắp đặt, vận hành, sử dụng điện áp mái nhưng chưa có các văn bản pháp lý, chưa được xã xác nhận việc khai báo kinh tế trang trại và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại do hoạt động không hiệu quả. Tại các huyện Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên… có khá nhiều doanh nghiệp là khách hàng sử dụng điện áp mái nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Thái Thế Kiên - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Nam Đàn cho biết: Qua kiểm tra phát hiện các tồn tại về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường, việc đấu nối chuyên ngành điện lực và hồ sơ pháp lý liên quan… Đại diện Sở Công thương Nghệ An cũng cho rằng: Các chủ đầu tư sử dụng hệ thống điện áp mái chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, chấp hành quy định về thuế. Cá biệt, có tình trạng trang trại nông nghiệp cho nhiều doanh nghiệp thuê lắp đặt hệ thống điện áp mái để kinh doanh điện là chính.
Theo Công ty Điện lực Nghệ An, vào 10/2022, đơn vị này đã có văn bản đề nghị rà soát, đánh giá đảm bảo đủ điều kiện hoạt động bán điện, nhưng đến tháng 5/2023, nhiều chủ đầu tư vẫn chưa cung cấp các hồ sơ pháp lý còn thiếu trong việc mua bán điện áp mái. Do đó, Điện lực Nghệ An thông báo đến chủ đầu tư của 41 hệ thống điện áp mái có công suất từ 100KWp trở lên đã ký hợp đồng từ 4/2023 sẽ tạm dừng thanh toán tiền mua điện.
Ông Phạm Văn Nga - Phó Giám đốc Điện lực Nghệ An cho biết: Sau khi các hệ thống điện áp mái vận hành thương mại, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị điện lực thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và thoả thuận mua bán. Điện lực Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhưng đến ngày 10/7/2023 mới có có 41/84 hệ thống đã khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng và môi trường.
Nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Lợi - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Một số dự án, hồ sơ thiết kế thi công chưa tính toán, kiểm tra liên kết giữa kết cấu đỡ và mái công trình hiện hữu, chưa đáp ứng các yêu cầu khi chịu tải trọng tăng thêm do hệ thống điện mặt trời và kết cấu đỡ gây ra. Còn theo ông Hồ Phi Triều - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An, đa số các trang trại chưa đạt tiêu chí giá trị sản xuất hàng hóa; một số xã xác nhận tờ khai kinh tế trang trại chưa đảm bảo quy định đối với hệ thống điện áp mái. Trước thực trạng này, Sở NNPTNT Nghệ An đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, giám sát, hướng dẫn việc khắc phục tồn tại...