Nữ sinh nghèo mắc dị tật đạt 27.25 điểm, lo không có tiền vào đại học
Dù đã xuất sắc đạt 27,25 điểm (khối C) nhưng em Lê Hoa Mai (người dân tộc Mường, trú thôn Liên Hưng, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) có nguy cơ không thể bước chân vào giảng đường đại học vì cảnh nhà nghèo khó, gia đình không thể lo đủ tiền cho em theo học.
Cảnh khổ bủa vây
Theo chân cô Vũ Thị Tâm (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 - Trường THPT Thạch Thành), chúng tôi có mặt tại nhà em Lê Hoa Mai vào lúc 11h trưa ngày 1/8.
Trên quãng đường đi, cô Tâm cho biết, gia đình Mai thuộc diện cận nghèo, bố bị bệnh về khớp, không thể lao động nặng, cả 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào người mẹ đi làm công ty. Ở ngay sát bên là nhà ông bà nội đã gần 80 tuổi, sống cùng người bác bị bệnh tâm thần. Bản thân Mai đạt được 27,25 điểm khối C trong kỳ thi vừa qua (trong đó, môn Văn 9, Lịch Sử 9, Địa lý 9,25) là một kỳ tích khi từ lúc sinh ra, mắt trái của em bị tật, nhìn mọi thứ luôn thấy mờ đục.
Sau trận mưa lớn, lối vào nhà Mai trở nên trơn trượt và khó đi hơn. Nằm ở lưng chừng đồi, căn nhà cấp 4 trông đìu hiu, cô quanh, bên trong thì trống huơ trống hoác, không có đồ vật gì đắt giá.
Nở một nụ cười gượng, bà Phạm Thị Hạnh (45 tuổi, mẹ của Mai) mời khách vào nhà với khuôn mặt đầy lo âu. Hỏi ra mới biết, trong mấy ngày qua, bà cố gắng đi vay mượn khắp nơi để lo cho con gái vào đại học. Tuy nhiên, kết quả là khá buồn khi mọi người đều kêu khó. “Có lẽ họ biết gia đình tôi đang nợ, lương kiếm không đủ sống nên lo không trả nổi”, bà Hạnh kể.
Theo lời bà Hạnh, hiện nay, bà là lao động chính trong nhà với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Để lo cho 4 miệng ăn, bà còn làm thêm 1 mẫu ruộng, cấy lúa 2 vụ quanh năm. Ở trên Mai có một chị gái, vừa tốt nghiệp Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. Mai là con thứ 2, phía dưới còn em gái đang chuẩn bị vào lớp 11.
“Nợ của gia đình thì còn khoảng vài chục triệu, xuất phát từ việc 2 vợ chồng lo cho con gái đầu đi học suốt 4 năm và đi vay tiền để làm nhà vào năm 2015, khi nhà nước có hỗ trợ. Từ đó đến nay, dù đã cố gom góp để trả dần nhưng vẫn chưa xong”, bà Hạnh nói.
Về dị tật ở mắt của Mai, bà Hạnh cho biết, nó xuất hiện từ khi cháu vừa lọt lòng mẹ. “2 tháng đầu sau khi sinh, Mai không thể mở được mắt. Đi khám thì bác sỹ bảo do ảnh hưởng từ chất độc màu da cam từ ông nội nên mắt bên trái sẽ từ từ bị mất khả năng nhìn, nếu phẫu thuật thì có cơ may lành được nhưng sẽ gây nguy hiểm cho con mắt kia. Sau khi suy đi tính lại, gia đình không thực hiện chữa trị nên từ đó đến nay, Mai phải sống chung với con mắt kém”, bà Hạnh kể.
Để thích ứng, Mai dành thời gian ban ngày để học tập, làm việc nhà phụ giúp gia đình. Khi trời tối, Mai phải đeo đèn để học vì con mắt trái gần như nhìn không thấy gì.
Gian truân đường vào đại học
Ngồi đối diện chúng tôi, Mai tỏ ra khá ngượng khi liên tục cúi mặt xuống bàn. Nhìn cô nữ sinh có dáng người nhỏ nhắn với khuôn mặt sạm đen, lam lũ trong công việc, ít ai nghĩ em chỉ vừa bước qua tuổi 18.
Mai kể, em nhớ nhất là giai đoạn từ 2015 – 2020. Năm 2015, bố và mẹ cùng vào Nam làm việc, sau đó đến năm 2018, chị gái cũng vào trong đó để học. Năm 2018, khi mới chỉ 13 tuổi, em đã phải lo hết mọi chuyện trong nhà, từ đi chợ, nấu cơm, chăm em, cân đối từng đồng tiền bố mẹ gửi về.
Cuối năm 2020, khi bố mẹ khăn gói về quê, mọi thứ với Mai đã dễ dàng hơn đôi chút nhưng bất ngờ bố em lại đau ốm, không thể lao động nặng nên mọi việc lúc mẹ đi vắng em lại phải xắn tay làm hết. Những tháng nghỉ hè, Mai nói tranh thủ ra chợ ở thị trấn Kim Tân để xin đi bán quần áo, từ đó cũng kiếm được khoảng 100.000đ/ngày để phụ giúp gia đình.
“Em ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn. Với tổng điểm trên, em muốn xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội vì ngành này được miễn học phí, thời gian rảnh có thể đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ. Nếu đi học ngoài đó, em cũng rất lo vì khi mẹ đi làm, sẽ không ai ý đến bố cả. Tết vừa rồi, bố em đang đứng ở hè thì bất ngờ ngã dúi dụi xuống sân làm xước xát hết cả người. Hơn nữa, ông bà nội ở ngay bên thì giờ cũng yếu, bác em thì bị tâm thần phải chăm từ ăn tới mặc. Ở dưới có em gái nhưng thể trạng của nó yếu lắm, không kham nổi các công việc ở nhà đâu. Nếu chẳng may, mẹ em có đổ bệnh thì thật sự không biết nhà sẽ ra sao nữa”, Mai nghẹn ngào nói.
Cô Vũ Thị Tâm – GVCN lớp 12A6 nhận xét: Trong 3 năm cấp 3, Mai luôn là học sinh giỏi toàn diện của lớp. Năm lớp 12, Mai đi thi tỉnh môn Địa, đạt giải Khuyến khích. Biết hoàn cảnh của gia đình và em lại bị khuyết tật nên Trường THPT Thạch Thành 1 đã hỗ trợ Mai 1,5 triệu đồng/tháng như là một món quà để động viên em.
“Vượt qua những khiếm khuyết về cơ thể, Mai luôn nỗ lực vươn lên để thay đổi số phận của mình. Trong kỳ thi vừa rồi, Mai có tổng điểm cao thứ 2 trong lớp, vượt qua những người có điều kiện hơn mình rất nhiều. Tôi thấy em ấy thực sự là một tấm gương đáng để học sinh toàn trường noi theo”, cô Tâm đánh giá.
Ông Lê Hồng Phong - Trưởng thôn Liên Hưng (xã Thành Hưng) cho biết, việc gia đình Mai thuộc diện cận nghèo là chính xác. “Hiện tại, bác ruột của cháu Mai cũng đang hưởng chế độ chất độc da cam. Hàng năm, chính quyền địa phương cũng vào thăm hỏi, động viện mỗi dịp lễ, Tết và miễn giảm các khoản đóng góp cho gia đình”, ông Phong thông tin thêm.