Đấu thầu công khai 26 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc-Nam chưa có nhà đầu tư

Lê Khánh 04/08/2023 15:40

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay đã có 7 trạm được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần; 3 trạm đang đầu tư; 26 trạm chưa đầu tư.

Trong quyết định phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay đã có 7 trạm được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần; 3 trạm đang đầu tư; 26 trạm chưa đầu tư.

Đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, toàn bộ 26 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3-5 tháng (phụ thuộc vào số lượng nhà đầu tư đăng ký, đủ các điều kiện tham gia.

26 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau chưa có nhà đầu tư sẽ thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Đặc biệt, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đưa ra thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, 7 trạm dừng nghỉ đã được đầu tư và đưa vào khai thác trên các tuyến Cao tốc Hà Nội-Bắc Giang (2 trạm), Cao Bồ-Mai Sơn (2 trạm), La Sơn-Hòa Liên (1 trạm), Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (1 trạm) và Bến Lức-Trung Lương (1 trạm). Ba trạm dừng nghỉ đang đầu tư trên Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Cam Lộ-La Sơn và Lạng Sơn-Bắc Giang.

Trạm dừng nghỉ có diện tích lớn nhất là trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng (chưa đầu tư, diện tích 13,7ha); trạm có diện tích nhỏ nhất là trên tuyến Bến Lức-Trung Lương (chưa đầu tư, diện tích 2,25ha/bên); các trạm còn lại có diện tích trung bình khoảng 5ha/bên. Khoảng cách trung bình bố trí giữa hai trạm dừng nghỉ là khoảng 50km, trong đó khoảng cách xa nhất là 77km trên Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây).

Lê Khánh