Dấu ấn Á - Âu trong lòng Hà Nội
Các di sản kiến trúc Pháp - Đông Dương đối với lịch sử của Hà Nội trong đời sống hôm nay là những di sản quý báu, làm nên nét đặc trưng văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Căn cứ vào những công trình còn lại đến ngày nay, có thể chia quy hoạch và xây dựng Hà Nội theo 2 giai đoạn trước và sau năm 1920. Trước năm 1920, bộ mặt kiến trúc mang phong cách tân cổ điển châu Âu. Trong giai đoạn đầu, từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1920, người Pháp đã xây dựng một loạt các công trình lớn tại Hà Nội như Chợ Đồng Xuân, Nhà Thờ Lớn, Cầu Long Biên, Bưu điện Hà Nội, Bốt nước Hàng Đậu, Nhà tù Hỏa Lò, Ga Hàng Cỏ…
Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), văn hóa - văn minh Pháp một thành phần đáng kể của bản sắc Hà Nội.
Có thể nói, những công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội chính là những di sản quý báu, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn là di sản lịch sử, văn hóa làm nên nét đặc trưng văn hóa của thành phố ngàn năm. Đối với nhịp sống thời nay, khi mà nhiều câu chuyện về giữ gìn giá trị văn hóa trở thành điểm nóng thì nét đẹp của kiến trúc Pháp tại Hà Nội như một di sản văn hóa của riêng Thủ đô.
PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, tất cả những công trình, kiến trúc đó được xây dựng trong thời kỳ Pháp thuộc nhưng được làm ra từ bàn tay, công sức, tiền của dân tộc chúng ta, của đất nước chúng ta. Bên cạnh đó, sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và các nước trên thế giới đã tạo nên giá trị tinh thần.
Hiện nay, kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp ở mọi con phố Thủ đô với nhiều dáng vẻ, phong cách kiến trúc khác nhau. Trải qua thời gian, cho đến nay kiến trúc Pháp ở Hà Nội vẫn đẹp, tiêu biểu cho loại hình kiến trúc của một thời đã qua với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu công trình phục vụ đáp ứng có bản nhu cầu sử dụng của người dân thời đó. Hà Nội hiện còn rất nhiều công trình kiến trúc Pháp tốt, có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ, bảo tồn.
Cùng với việc xây dựng các công trình kiến trúc tiêu biểu trên, người Pháp còn chú trọng xây dựng Vườn Bách Thảo, các quảng trường, các công viên, vườn hoa và các đài tưởng niệm mà đến bây giờ vẫn phát huy giá trị.
UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch về việc khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự và một số công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố. Theo đó, bên cạnh 24 biệt thự cổ sẽ có 8 công trình kiến trúc đặc biệt khác cũng được ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết, mục đích nhằm xác định mức độ xuống cấp, mức độ nguy hiểm của các công trình để có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang cho khu vực nội đô lịch sử cũng như khu vực ngoại thành. Việc kiểm định, đánh giá chất lượng cho 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác phải được thực hiện xong trước 30/9/2023. Đối với 1.192 biệt thự còn lại sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ bằng phương pháp trực quan theo nhận định của chuyên gia, đưa ra đánh giá dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của các kết cấu và phải hoàn thành xong trước ngày 30/6/2024.
Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã đưa ra các phương án nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc này. Gần đây nhất, công trình biệt thự Pháp (số 49 phố Trần Hưng Đạo, 46 phố Hàng Bài) được tu sửa một cách bài bản. Đây là sự quyết tâm rất lớn để gìn giữ, tạo lập bản sắc riêng của TP Hà Nội. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, kế hoạch của thành phố đưa ra là chú trọng vào 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc. Đây đều là những biệt thự có giá trị đặc biệt. Để làm được việc này, bên cạnh việc có khung pháp lý, cái cần nhất là cần vận động các cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia am hiểu để nhận diện từng công trình. Người dân phải thực hiện được mục tiêu sống ở trong biệt thự chứ không nên chia quá nhiều hộ gia đình mà mỗi biệt thự là một hộ gia đình. Và người dân cũng phải có trách nhiệm gìn giữ.
Cũng theo ông Nghiêm, cải tạo biệt thự phải giữ được hồn cốt, không chỉ có vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong. Nghĩa là tổ chức cuộc sống của người dân bên trong biệt thự.
Ngày nay, khi mà vấn đề gìn giữ những giá trị văn hóa đang được quan tâm thì phong cách kiến trúc Pháp - Đông Dương như một di sản văn hóa của riêng Thủ đô. Những giá trị ấy cần được quan tâm và bảo tồn hướng tới phát triển di sản vào du lịch để di sản thực sự phát huy giá trị.
Kiến trúc Đông Dương là sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa Việt Nam và phong cách tân cổ điển Pháp. Kiến trúc này đại diện cho vẻ đẹp đặc sắc giữa 2 nền văn hóa Tây - Đông, vừa lãng mạn tinh tế nhưng không kém phần đằm thắm truyền thống. Kiến trúc Đông Dương thường được thiết kế kỹ lưỡng trong từng chi tiết và khác biệt so với kiến trúc Pháp ở kết cấu mái: phần mái được thiết kế nhô ra, phù hợp với khí hậu “nắng nhiều, mưa lắm” của Việt Nam. Các thiết kế kiến trúc Đông Dương có rất nhiều cửa sổ lớn giúp thông gió. Hành lang cũng được xây dựng với nhiều cửa sổ để đón nhiều ánh sáng tự nhiên vào nhà nhất có thể.