Bệnh viện đầu ngành: Có nên giao Hà Nội quản lý?

Đức Trân 05/08/2023 07:37

Bộ Y tế vừa có buổi làm việc với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ trên địa bàn thành phố về công tác khám, chữa bệnh và việc sắp xếp các bệnh viện trực thuộc theo dự thảo Luật Thủ đô.

Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đề nghị tạo cơ chế cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, các nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô liên quan đến công tác y tế đều rất quan trọng và cần được cân nhắc kỹ. Trong đó, nội dung “chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học” đưa ra trong dự thảo đang nhận được sự quan tâm của các cơ sở y tế.

GS Tạ Thành Văn - Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cơ bản đồng tình về đề xuất đưa ra trong dự thảo, song ông Văn cho rằng nên điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp và để khách quan. Theo đó, để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, Hà Nội cần ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: Cơ sở y tế trực thuộc trung ương hoặc trường đại học y - dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Thủ đô. Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người. Các ưu đãi đầu tư nên tập trung vào các chương trình, dự án cụ thể và khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong và ngoài địa bàn Thủ đô và quốc tế.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần đề cập đến vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Bởi lẽ, dù là cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có mục đích chung là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Dự thảo Luật cần đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực dự phòng.

Ngoài ra, theo ông Văn, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cần bổ sung cơ chế, chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi, khi tuyến dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Cơ chế tính toán chi phí và phân bổ tài chính cũng không nên tập trung vào các cơ sở y tế tuyến trên.

Đặc biệt, Hà Nội rất cần nghiên cứu phát triển một số chính sách đặc thù trong phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình - mô hình y tế phổ biến ở hầu hết các nước phát triển.

Xem xét kỹ năng lực quản lý

Ở góc nhìn khác, ông Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương phân tích, bệnh viện không chỉ làm công tác khám, chữa bệnh tuyến cuối, mà còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới…

Đặc biệt, các bệnh viện này giữ vai trò dẫn dắt của ngành y trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới, như Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương chỉ đạo cho các cơ sở y tế trên cả nước chứ không riêng Hà Nội. Do vậy, nếu chuyển về Hà Nội quản lý thì việc phát triển chuyên môn và chỉ đạo tuyến dưới sẽ khó thực hiện.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho rằng, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.

Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, ông đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương. “Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ thế nào?” - ông Cơ cho biết thêm.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng, việc đưa các bệnh viện đầu ngành về trực thuộc Hà Nội sẽ thu hẹp tầm hoạt động của bệnh viện. Khi đó, đối tượng bị thiệt thòi là nhân dân.

Theo đó, nếu các bệnh viện trên vẫn nhận điều trị cho bệnh nhân ở các tỉnh thì không tránh khỏi tình trạng người mắc bệnh hiểm nghèo bị chuyển trả về tỉnh với lý do đây là bệnh viện của Hà Nội. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị nguy hiểm tính mạng vì không được điều trị kịp thời.

Bộ Y tế hiện có 34 bệnh viện trực thuộc đang đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa bệnh tuyến cuối, chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực y tế; nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị mới; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật mới… Theo dự thảo đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, dự kiến sẽ còn 30 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Đức Trân